Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Thực tiễn thi hành pháp luật về công chứng trên địa bàn tỉnh thời gian qua
Thông tin khác

Thực tiễn thi hành pháp luật về công chứng trên địa bàn tỉnh thời gian qua

11/04/2024

Ngày 10/4/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã đã tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV do bà Nguyễn Thị Mai Phương Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm Trưởng đoàn.

 

Hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc về thực tiễn thi hành pháp luật công chứng trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua: Trong 09 năm triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành việc thực hiện như: Quy định về mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh; Quy chế, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh; Quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng (VPCC) trên địa bàn tỉnh; Quyết định giao tài sản nhà nước cho Phòng Công chứng số 2 quản lý, sử dụng theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; Quyết định cho phép chuyển đổi văn phòng công chứng; Quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự cho Phòng công chứng số 1 và Phòng công chứng số 2. Giao Sở Tư pháp tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành pháp luật về công chứng trên địa bàn tỉnh; quán triệt thực hiện pháp luật về công chứng nghiêm minh và kịp thời; thường xuyên phối hợp Hội Công chứng viên tỉnh bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công chứng hàng năm cho đội ngũ công chứng viên. Năm 2017, Sở Tư pháp phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức 01 lớp đào tạo nghề công chứng khóa 20 tại An Giang, kết quả 40/53 học viên đạt kết quả cấp chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng. Sở Tư pháp cùng với Hội Công chứng viên tỉnh phối hợp Hội Công chứng viên thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 03 lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công chứng với khoảng 300 lượt công chứng viên (CCV) tham dự.

Responsive image

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

Một số kết quả thực hiện luật công chứng cụ thể như:

(1) Về đội ngũ công chứng viên: Thực hiện quy định điều 8, 15, 16 Luật Công chứng năm 2014 về tiêu chí, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên; hành nghề của công chứng viên, Sở Tư pháp đã tiếp nhận hồ sơ và trình Bộ Tư pháp bổ nhiệm 05 CCV; miễn nhiệm 06 CCV; bổ nhiệm lại 02 CCV. Tổng số CCV đang hành nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay là 45 CCV. Trong đó, có 03 CCV trên 70 tuổi. Mặc dù, số lượng CCV trên địa bàn tỉnh còn khá ít, nhưng luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ công chứng.

(2) Về tổ chức và hoạt động của Phòng công chứng (thành lập, chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng): Thời gian qua, hai Phòng Công chứng tỉnh luôn được các cá nhân, tổ chức có nhu cầu công chứng tín nhiệm cao. Nhất là các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng. Mỗi Phòng Công chứng đã thực hiện tốt cơ chế tự chủ và hàng năm đóng góp cho ngân sách tỉnh với số tiền trên 1 tỷ đồng/01 Phòng công chứng/năm.

Tỉnh tiếp tục duy trì hai Phòng Công chứng tỉnh xuất phát từ những lý do sau: Một là, xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn tại một số tỉnh đã thực hiện xã hội hóa toàn bộ Phòng Công chứng, thời gian qua. Theo đó, trường hợp Văn phòng công chứng bị giải thể thì hồ sơ công chứng sẽ được chuyển giao đến VPCC khác tiếp nhận theo quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, quy định này vẫn khó thi hành trên thực tế. VPCC chấm dứt hoạt động gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với VPCC khác tiếp nhận, lưu giữ hồ sơ. Việc tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ công chứng của VPCC khác chuyển sang, VPCC tiếp nhận cần có đủ cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện. Vì vậy, duy trì Phòng Công chứng tỉnh để Sở Tư pháp chỉ định nơi tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ công chứng trên địa bàn tỉnh. Hai là, việc duy trì Phòng Công chứng với các công chứng viên giàu kinh nghiệm cũng giúp cho Sở Tư pháp trong việc hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến hợp đồng, giao dịch. Ba là, hoạt động của Phòng Công chứng vẫn được các cá nhân và tổ chức trong tỉnh tín nhiệm cao khi thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch.

(3) Tình hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng công chứng (mô hình, thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi thành viên hợp danh, chuyển nhượng): Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 tổ chức hành nghề công chứng (02 Phòng Công chứng; 21 VPCC) vẫn bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động theo quy định. Định kỳ hàng quý, Sở Tư pháp rà soát và công bố danh sách tổ chức hành nghề công chứng trên Cổng thông tin điện tử cơ quan.

(4) Hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng: Từ năm 2015 đến năm 2023, việc công chứng hợp đồng, giao dịch thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định pháp luật về công chứng; Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng  phí công chứng, phí chứng thực, phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng, phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng, lệ phí cấp thẻ công chứng viên của Bộ Tài chính và Quy định về mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước từ các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh là 29.556.380.666 đồng; số lượng hồ sơ phát sinh là 990.505 hồ sơ công chứng; 937.860 hồ sơ chứng thực; tổng số phí công chứng tổ chức thu được 248.601.521.988 đồng và tổng số thù lao công chứng, chi phí khác 31.495.744.158 đồng.

(5) Hội công chứng viên tỉnh (sau đây gọi tắt là Hội): Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1129/QĐ-UBND thành lập Hội công chứng viên tỉnh, Năm 2017, Sở Tư pháp phối hợp với Hội ký kết Quy chế phối hợp quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Ban Chấp hành hội hiện nay có 06 ủy viên. Sau gần 08 năm hoạt động, Hội đã đạt được hiệu quả tích cực trong việc hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng. Hội đã giúp phát triển và nâng cao hoạt động công chứng tại tỉnh và đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

(6) Quản lý nhà nước về hoạt động công chứng: Từ năm 2015 đến năm 2023, Sở phối hợp với cơ quan, ban, ngành tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng: Tiến hành 29 cuộc thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng tại 29 VPCC trên địa bàn tỉnh; kiểm tra 11 VPCC; ban hành 14 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 117.500.000 đồng; tiếp nhận và giải quyết 20 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực công chứng thuộc thẩm quyền giải quyết.

(7) Cơ sở dữ liệu công chứng: Từ năm 2019, tỉnh An Giang bắt đầu xây dựng và vận hành phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng. Tổng chi phí vận hành hàng năm phải trả là trên 93 triệu đồng nhằm để duy trì, nâng cấp Cơ sở dữ liệu công chứng thuê máy chủ ảo của Viettel An Giang. UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh.

Responsive image
 

Quá trình vận hành Cơ sở dữ liệu giúp hỗ trợ các tổ chức hành nghề trong việc tra cứu tài sản đã có phát sinh giao dịch, tài sản và các cá nhân, tổ chức đang bị ngăn chặn tham gia giao dịch của người yêu cầu công chứng; tránh được rủi ro trong thực hiện công chứng hồ sơ giao dịch. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu công chứng được khai thác trong nội bộ các tổ chức hành nghề công chứng và Sở Tư pháp, chưa được kết nối và cập nhật thông tin đến cấp xã và không có liên thông, kết nối với các Cơ sở dữ liệu công chứng của các địa phương khác và Cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực khác.

Nhìn chung, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; sự quan tâm sâu sát, cụ thể kịp thời của Ủy ban nhân dân tỉnh công tác triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 trên địa bàn tỉnh An Giang đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao; Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng ngày càng được nâng lên; Nhân dân ngày càng được thụ hưởng hệ thống dịch vụ pháp lý an toàn và an tâm hơn; đây là những tiền đề quan trọng chứng minh Luật Công chứng đã được triển khai hiệu quả trên phạm vi địa phương. Bên cạnh những thành tựu đạt được, qua quá trình quản lý nhà nước về hoạt động công chứng và phối hợp triển khai, hướng dẫn thi hành áp dụng Luật Công chứng còn một số khó khăn, vướng mắc sau: (1) Công tác tổ chức và hoạt động công chứng vẫn còn nhiều bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; (2) Hoạt động công chứng theo hướng dịch vụ nhằm phục vụ yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, đơn giản về thủ tục. Tuy nhiên, hiện nay sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện pháp luật về công chứng còn thiếu đồng bộ. Quy định pháp luật liên quan đến công chứng chưa hoàn thiện nên khi áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau. (3) Cơ sở dữ liệu công chứng đã được tỉnh xây dựng, tuy nhiên qua thời gian cần kinh phí bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp phần mềm.

Hội nghị ghi nhận những mặt công tác đạt được về lĩnh vực công chứng, các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của tỉnh thời gian qua; sẽ tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền để tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý, đề xuất hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, để pháp luật công chứng ngày càng sát thực tiễn./.

MỸ THOA

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn