Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tư pháp tỉnh an giang qua các thời kỳ
Quá trình hình thành và phát triển

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tư pháp tỉnh an giang qua các thời kỳ

16/12/2016

Căn cứ Nghị định số 143-HĐBT, Thông tư số 08 ngày 06/01/1982 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 143-HĐBT, chỉ hơn 03 tháng sau khi Bộ Tư pháp tái thành lập, Ban Pháp chế tỉnh chuyển sang hình thức Sở Tư pháp theo Quyết định số 89/QĐ-UB ngày 08/3/1982 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

1. Giai đoạn 1945 - 1981

1.1. Bộ Tư pháp


Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Tháng 01/1946, Nghị viện (Quốc hội) đầu tiên của nước ta bầu ra Chính phủ liên hiệp, trong Chính phủ liên hiệp có Bộ Tư pháp. Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 37/CP ngày 01/12/1945 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo đó, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, thương sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các tòa án, việc truy tố tội phạm, tư pháp công an, thi hành các án phạt, quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân, quản lý các viên chức tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, đại tụng viên, thừa phát lại, hỗ giá viên, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài. Bộ Tư pháp tiếp tục được kiện toàn trong các năm tiếp theo. 

Năm 1958, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá I, Toà án nhân dân tối cao và Viện Công tố Trung ương trực thuộc Chính phủ được thành lập, tách khỏi Bộ Tư pháp.

Năm 1960, trong thành phần Chính phủ không thành lập Bộ Tư pháp. Các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được chuyển giao cho Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và một phần cho chính quyền địa phương. Trước đó, năm 1957, Vụ Pháp chế thành lập khi Bộ Tư pháp còn chưa giải thể. Ngày 09/10/1972, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 190-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Pháp chế thuộc Hội đồng Chính phủ; về cơ bản, chức năng giống như Bộ Tư pháp, trừ việc quản lý các toà án nhân dân địa phương thuộc phạm vi quản lý của Toà án nhân dân tối cao.

1.2. Các cơ quan tư pháp địa phương

Theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời về việc tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, giai đoạn 1945 -1946, Sở Tư pháp được đặt tại Uỷ ban hành chính 03 kỳ: Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ; Ở Ủy ban hành chính xã, có thư ký phụ trách mục “hành chính tư pháp”. Giai đoạn này, Nam kỳ có 21 tỉnh, trong đó có tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc.

Cuối năm 1946, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đặt ở mỗi khu hoặc liên khu một Giám đốc Sở Tư pháp để trông coi việc tư pháp, có 07 Sở Tư pháp khu và liên khu (Bắc bộ: 03 Sở, Trung bộ: 02 Sở, Nam Trung bộ: 01 Sở và Nam bộ: 01 Sở); Ở cơ sở, Ban Tư pháp xã gồm Ban Thường vụ của Uỷ ban hành chính xã kiêm cả việc tư pháp. Đến năm 1950, Giám đốc Sở Tư pháp liên khu và khu kết thúc hoạt động. Giai đoạn 1946 - 1954, lập tỉnh Long Châu Tiền (thuộc khu 8) và Long Châu Hậu (thuộc khu 9), sau đổi thành tỉnh Long Châu Hà (thuộc phân liên khu Miền Đông) và Long Châu Sa (thuộc phân liên khu Miền Tây).

Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, việc thành lập Ban Pháp chế được hưởng ứng ở hầu hết các tỉnh phía Nam, từ sau năm 1976 thì thành lập ở hầu hết các tỉnh, Ban pháp chế nằm trong Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ chức và hoạt động của cơ quan pháp chế ở địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban Pháp chế tại Thông tư số 100/VP ngày 10/5/1974. Giai đoạn này, tỉnh An Giang được tái lập theo Quyết định số 19/QĐ ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị, Bộ máy chính quyền cách mạng vẫn đang trong quá trình xây dựng và củng cố, Ban Pháp chế tỉnh được thành lập và hoạt động trong khoảng 04 năm thì chuyển sang mô hình Sở Tư pháp. 

2. Giai đoạn 1982 - 1993

2.1. Bộ, Ngành Tư pháp


Năm 1981, Bộ Tư pháp được tái lập. Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, với chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất các việc về tư pháp trong cả nước, bao gồm xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các toà án nhân dân địa phương và quản lý nhà nước các công tác tư pháp khác (luật sư, công chứng, giám định, ...), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp luật trong cả nước.

Hệ thống tổ chức tư pháp ở địa phương có Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương; Ban Tư pháp (sau đó chuyển thành Phòng) ở cấp quận, huyện, thị xã và các đơn vị hành chính tương đương; Ban Tư pháp ở cấp xã, phường và các đơn vị hành chính tương đương.

Từ đây, hệ thống cơ quan tư pháp đã từng bước được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động có nề nếp với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy lớn hơn so với Ủy ban pháp chế trước đây. Bộ, Ngành Tư pháp đã tiếp thu công việc quản lý tòa án địa phương; tiếp nhận chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hộ tịch (gồm: khai sinh, khai tử, kết hôn, nuôi con nuôi, ….) từ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) theo Nghị định số 219/HĐBT ngày 20/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng.

2.2. Tư pháp tỉnh An Giang

Căn cứ Nghị định số 143-HĐBT, Thông tư số 08 ngày 06/01/1982 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 143-HĐBT, chỉ hơn 03 tháng sau khi Bộ Tư pháp tái thành lập, Ban Pháp chế tỉnh chuyển sang hình thức Sở Tư pháp theo Quyết định số 89/QĐ-UB ngày 08/3/1982 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất 07 nhóm nhiệm vụ về công tác tư pháp trong tỉnh, bao gồm công tác dự thảo các văn bản pháp quy; thẩm tra các dự thảo văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh; thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản pháp quy do Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và các sở ban hành; quản lý về mặt tổ chức các Tòa án nhân dân huyện, thị và các công tác tư pháp khác tại địa phương (như: công chứng, giám định tư pháp, chấp hành án, luật sư, hội thẩm nhân dân,...); công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật; đào tạo bồi dưỡng cán bộ thuộc hệ thống tư pháp, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ ở các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể thuộc địa phương; làm tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh về các vấn đề pháp lý.

Bộ máy của Sở Tư pháp gồm có Giám đốc, một đến hai Phó Giám đốc và 04 tổ chức giúp việc: (1) Phòng nghiên cứu pháp luật, xây dựng pháp luật và tuyên truyền, giáo dục pháp luật; (2) Phòng quản lý các tư pháp khác và công tác quản lý chấp hành án; (3) Phòng tổ chức, đào tạo và quản lý tòa án; (4) Phòng hành chính, quản trị. Trên thực tế, do mới được xây dựng nên Sở Tư pháp chưa có điều kiện sắp xếp kiện toàn các tổ chức giúp việc, chỉ có nhân sự phụ trách lĩnh vực công tác để tham mưu Ban Giám đốc; việc quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án và tổ chức chấp hành viên trên địa bàn tỉnh vẫn do Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm. Tại địa phương, hệ thống tổ chức tư pháp có Ban Tư pháp huyện, thị; Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn; Ở các ty, cơ quan ngang ty trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các xí nghiệp, công ty trực thuộc có cán bộ chuyên trách pháp luật. Biên chế của Sở Tư pháp lúc mới thành lập khoảng 10 nhân sự, sau tăng lên khoảng trên 17 nhân sự/ 25 biên chế.

Năm 1983, Sở Tư pháp tiếp nhận công tác quản lý Tòa án huyện, thị về mặt tổ chức. Ở cấp huyện, Ban Tư pháp chuyển thành Phòng Tư pháp. Trước năm 1988, các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp dần hình thành, như: Phòng Hành chính quản trị, sau đổi tên là Phòng Tổ chức hành chính; Phòng Văn bản - Tuyên truyền; Phòng Quản lý Tòa án huyện, thị về mặt tổ chức. 

Năm 1988, Trung ương có chủ trương cải tiến tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế Ngành Tư pháp, có nơi Sở Tư pháp sáp nhập vào Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Phòng Tư pháp chỉ duy trì ở các quận thuộc 03 thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thị xã có nhóm chuyên viên thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân; bố trí cán bộ làm công tác hộ tịch ở Ban Tư pháp xã để bảo đảm công tác hộ tịch được tiến hành bình thường. Trong điều kiện đó, tổ chức Sở Tư pháp tỉnh An Giang được xác định gồm Giám đốc, Phó Giám đốc và các chuyên viên (bỏ các phòng, ban); một số ít địa phương sáp nhập Phòng Tư pháp vào cơ quan chuyên môn khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Năm 1988, Sở, Ngành Tư pháp tỉnh tiếp nhận công tác đăng ký hộ tịch trong toàn tỉnh; theo đó Bộ phận đăng ký quản lý hộ tịch/ Phòng Hộ tịch được thành lập. Năm 1990, Phòng Công chứng Nhà nước tỉnh An Giang được thành lập.

Chính từ quyết tâm vẫn giữ Sở Tư pháp, vẫn giữ Phòng Tư pháp, khi triển khai thực hiện Thông tư số 12/TTLB ngày 26/7/1993 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương thì Sở, Ngành Tư pháp tỉnh có thêm điều kiện kiện toàn tổ chức và biên chế của Ngành. 

Có thể nói, ở giai đoạn này, Sở Tư pháp bước đầu thành lập, từng bước kiện toàn và đi vào hoạt động, tạo nền tảng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo. Trụ sở của Sở Tư pháp đặt tại số 7/2 Lý Thường Kiệt, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên (phía sau trụ sở của Ủy ban nhân dân tỉnh hiện hữu), sau đó chuyển về số 05 Lê Hồng Phong, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên.

3. Giai đoạn 1993 - 2000

3.1. Bộ, Ngành Tư pháp


Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước được Quốc hội khóa IX thông qua đã đặt ra những nguyên tắc nền tảng cho cải cách tư pháp. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 38/CP ngày 04/6/1993 của Chính phủ. Trong giai đoạn 1993 - 2002, Bộ Tư pháp được tiếp tục giao thêm nhiều trọng trách mới: quản lý công tác thi hành án dân sự; thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; quản lý nhà nước công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách; công tác hoà giải; hoạt động bán đấu giá tài sản; hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm; hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Trọng tài kinh tế...

Điểm mới cơ bản là thành lập hệ thống cơ quan thi hành án dân sự (gồm: Cục Quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp; Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp); tiếp nhận chuyển giao công tác quốc tịch từ Bộ Ngoại giao.

Tại địa phương, cơ quan tư pháp được củng cố ở cả 3 cấp: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, Ban Tư pháp cấp xã. So thời kỳ trước, Phòng Tư pháp thành lập ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ở cấp xã, chức danh chuyên môn “cán bộ tư pháp”, sau là “cán bộ hộ tịch - tư pháp” được xác định theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, Nghị định số 83/1998/NĐ-CP của Chính phủ.

3.2. Tư pháp tỉnh An Giang

Thực hiện Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1993 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 486/1999/QĐ-UB-TC ngày 07/3/1999 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp; theo đó, Sở Tư pháp được giao thêm nhiều trọng trách mới hoặc quản lý thực chất hơn đối với các lĩnh vực công tác như: Thẩm định, rà soát, thệ thống hóa văn bản; Quốc tịch, lý lịch tư pháp; Công chứng; Trợ giúp pháp lý; Quản lý về tổ chức tòa án cấp huyện; Thi hành án dân sự. Bản tin Tư pháp An Giang được phát hành.

Trước năm 1996, về tổ chức, thành lập mới 02 phòng: Phòng Công chứng Nhà nước số 2 (năm 1993), Phòng Thi hành án dân sự (năm 1993); kiện toàn 03/04 phòng: Phòng Tổ chức, hành chính, tổng hợp (năm 1990, 1994), Phòng Văn bản - Phổ biến giáo dục pháp luật (năm 1990, 1994), Phòng Quản lý Tòa án huyện, thị xã về mặt tổ chức và tư pháp khác (1995); công tác thanh tra có chuyên viên được giao phụ trách. Về nhân sự, tính đến năm 1996, Sở Tư pháp đã thực hiện 35/42 biên chế (Sở: 25/28 biên chế; 02 Phòng Công chứng: 10/16); Phòng Thi hành án dân sự: 15 biên chế; Tòa án nhân dân cấp huyện: 109/120 biên chế.

Năm 1996, tách Phòng Văn bản - Phổ biến giáo dục pháp luật thành lập Phòng Văn bản pháp quy và Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật; khoảng 01 năm sau, sáp nhập lại thành lập Phòng Văn bản - Tuyên truyền. Năm 1998, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước được thành lập. 

Năm 1999, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 486/QĐ-UB-TC ngày 07/3/1999 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Quyết định số 487/QĐ-UB-TC ngày 07/3/1999 về sắp xếp cấu tổ chức của Sở Tư pháp. Trong đó: Tách Phòng Hành chính quản trị tổng hợp - Thanh tra thành lập mới Văn phòng Sở, Thanh tra Sở; tách Phòng Quản lý Tòa án huyện, thị xã về mặt tổ chức và tư pháp khác thành lập Phòng Tổ chức - Quản lý Tòa án cấp huyện, Phòng Quản lý các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp; đổi tên Phòng Văn bản - Tuyên truyền thành Phòng Văn bản - Phổ biến giáo dục pháp luật; kiện toàn Phòng Hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp (trên cơ sở Phòng Hộ tịch trước đây). Trên thực tế, Thanh tra Sở Tư pháp chính thức được thành lập khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 30/7/2007. Về biên chế, từ năm 1999, biên chế dao động từ 48 đến 51 biên chế cán bộ.

Tại địa phương, Phòng Tư pháp 11 huyện, thị xã được thành lập theo Quyết định số 240/QĐ.UB.TC ngày 19/7/1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, đồng thời chịu sự chỉ đạo và quản lý chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tư pháp thực hiện theo Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1993 và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Phòng Tư pháp có Trưởng phòng và số cán bộ giúp việc theo chỉ tiêu biên chế do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Tư pháp xã, phường, thị trấn kiện toàn theo Quyết định số 807/QĐ-UB ngày 12/7/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, Tư pháp xã, phường, thị trấn thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ công tác (như: Văn bản; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Hộ tịch; Hòa giải ở cơ sở; Phối hợp việc thi hành án; Tống đạt văn bản, giấy tờ của Tòa án,...).

Có thể nói, ở giai đoạn này, Ngành Tư pháp tỉnh được củng cố ở cả 03 cấp. Trụ sở của Sở Tư pháp đặt tại số 05 Lê Hồng Phong, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên.

4. Giai đoạn 2000 - 2009

4.1. Bộ, Ngành Tư pháp


Ngày 4/6/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 38-CP. Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã được giao thêm nhiệm vụ mới về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở tiếp nhận nhiệm vụ kiểm sát chung của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (không tiếp tục thực hiện theo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân). Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, nhiệm vụ quản lý Toà án nhân dân địa phương (về tổ chức, biên chế, cán bộ) được chuyển giao sang Toà án nhân dân tối cao thực hiện. 

Tại địa phương, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp của Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện theo Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 5/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Trong đó, khẳng định Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện được tổ chức thống nhất trong phạm vi cả nước; công chức Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý nhà nước về công tác tư pháp. Ban Tư pháp là tổ chức phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp cấp xã, trong đó công chức Tư pháp - Hộ tịch là một thành viên.

4.2. Tư pháp tỉnh An Giang

Thực hiện Quyết định số 55/QĐ-UB-TC ngày 09/01/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế của Sở Tư pháp, bộ máy của Sở sắp xếp tinh gọn lại còn 04 phòng chuyên môn như sau: Tái lập Phòng Hành chính quản trị tổng hợp - Thanh tra (như trước năm 1999), Phòng Văn bản - Phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Tổ chức - Quản lý Tòa án và Bổ trợ tư pháp (như trước năm 1996), Phòng Hộ tịch (như trước năm 1999); thực hiện chuyển giao nhiệm vụ quản lý Tòa án nhân dân cấp huyện (năm 2002). Trước đó, năm 2001, Phòng Công chứng Nhà nước số 1, số 2 được đổi tên thành Phòng Công chứng số 1 và Phòng Công chứng số 2 tỉnh An Giang.

Năm 2003, thành lập mới Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản. Năm 2004, tách Phòng Văn bản - Phổ biến giáo dục pháp luật tái lập Phòng Văn bản pháp quy và Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (như năm 1996). Tính đến năm 2005, Sở Tư pháp có 05 phòng chuyên môn và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, gồm: (1) Phòng Hành chính quản trị tổng hợp - Thanh tra; (2) Phòng Tổ chức - Quản lý Tòa án và Bổ trợ tư pháp; (3) Phòng Hộ tịch; (4) Phòng Văn bản pháp quy; (5) Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật; (6) Phòng Công chứng số 1; (7) Phòng Công chứng số 2; (8) Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước; (9) Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản; Về biên chế, dao động từ 48 đến 51 biên chế cán bộ.

Nếu như trước đây, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ cấu bộ máy và biên chế của Sở Tư pháp theo nguyên tắc tổ chức gọn nhẹ thì nay Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV đã quy định về các đơn vị được tổ chức thống nhất trong Sở Tư pháp, bao gồm Văn phòng, Thanh tra, Phòng Công chứng; các Phòng chuyên môn được tổ chức để bao quát các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở nhưng không quá 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ (trừ Sở Tư pháp thuộc TP Hồ Chí Minh và Hà Nội). Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu chức năng, nhiệm vụ tiếp tục được mở rộng trên các lĩnh vực như: kiểm tra văn bản; bán đấu giá tài sản; giao dịch bảo đảm.... Bộ máy của Sở Tư pháp cơ bản duy trì như trước đây, Thanh tra Sở được thành lập; các phòng có sự điều chỉnh về tên gọi và chức năng như: Phòng Hành chính quản trị tổng hợp - Thanh tra thành Phòng Hành chính tổng hợp; Phòng Tổ chức - Quản lý Tòa án và Bổ trợ tư pháp thành Phòng Tổ chức - Bổ trợ tư pháp; Phòng Hộ tịch đổi thành Phòng Hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp.

Từ năm 2007, bộ máy tổ chức của Sở Tư pháp có 06 phòng chuyên môn và 04 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, gồm: (1) Phòng Hành chính quản trị tổng hợp; (2) Thanh tra; (3) Phòng Tổ chức - Bổ trợ tư pháp; (4) Phòng Hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; (5) Phòng Văn bản pháp quy; (6) Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật; (7) Phòng Công chứng số 1; (8) Phòng Công chứng số 2; (9) Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước; (10) Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản. Về biên chế, năm 2007, Sở Tư pháp được phân bổ 55 biên chế (Khối văn phòng: 33; Phòng Công chứng số 1: 07; Phòng Công chứng số 2: 05; Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước: 06; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản: 04).

Tại địa phương, trước năm 2005, Phòng Tư pháp cấp huyện có 30 cán bộ, bình quân mỗi phòng có từ 02 - 03 người; ở cấp xã, 145 cán bộ/145 xã, phường, thị trấn, mỗi cấp xã có 01 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch. Từ năm 2005, Phòng Tư pháp cấp huyện có 48 cán bộ, bình quân mỗi phòng có từ 03 - 05 người; ở cấp xã, 238 cán bộ/154 xã, phường, thị trấn, mỗi cấp xã có 01 - 02 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch.

Có thể nói, ở giai đoạn này, Sở Tư pháp được sắp xếp theo hướng tinh giảm, có sự phân định giữa phòng, đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp thuộc Sở. Trụ sở của Sở Tư pháp đặt tại số 05 Lê Hồng Phong, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên.

5. Giai đoạn 2009 - 2014

5.1. Bộ, Ngành Tư pháp


Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008, sau đó là Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013. Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự địa phương tách khỏi Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp để hình thành Cục Thi hành án dân sự ở cấp tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự ở cấp huyện và chuyển giao toàn bộ về Bộ Tư pháp.

Tại địa phương, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. 

5.2. Tư pháp tỉnh An Giang

Thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 08/7/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp và thay thế Quyết định số 486/1999/QĐ.UB.TC. Theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất 26 nhóm nhiệm vụ về công tác tư pháp trong tỉnh; một số nhiệm vụ công tác mới giao gồm: Theo dõi chung về thi hành pháp luật; Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng hương ước, quy ước; Bán đấu giá tài sản; Pháp chế; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, Sở cũng thực hiện bàn giao chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự cho Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp (từ tháng 7/2009). 

Bộ máy của Sở Tư pháp gồm có Giám đốc, không quá 03 Phó Giám đốc và 11 phòng, đơn vị trực thuộc. Trong đó: Tái lập lại Văn phòng Sở (như năm 1999); tách Phòng Văn bản pháp quy thành lập Phòng Xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Phòng Kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật; kiện toàn Phòng Tổ chức - Quản lý Tòa án và Bổ trợ tư pháp thành lập Phòng Bổ trợ tư pháp; đổi tên Phòng Hộ tịch thành Phòng Hành chính tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước thành Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước. Sở Tư pháp lúc này có 07 phòng chức năng và 04 đơn vị trực thuộc. Năm 2009, Sở được phân bổ 82 biên chế, trong đó biên chế hành chính 50 người, biên chế sự nghiệp 32 người, đã thực hiện 65/82 biên chế (không kể số biên chế của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản). Ở cấp huyện, tổng biên chế của 11 Phòng Tư pháp là 51 biên chế, bình quân mỗi phòng có 04 - 07 cán bộ; Tổng số cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã có 299/154 xã, phường, thị trấn, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có 02 cán bộ tư pháp, hộ tịch. Đối với biên chế cơ quan thi hành án các cấp trong tỉnh, tại thời điểm bàn giao năm 2009, toàn tỉnh có hơn 145 biên chế.

Năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 16/01/2012 về sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp. Về chức năng, bổ sung nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về bồi thường nhà nước; Về tổ chức, thành lập lại Phòng Văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở sáp nhập Phòng Xây dựng, thẩm định văn bản, Phòng Kiểm tra văn bản và theo dõi chung về thi hành pháp luật (như năm 2004); tách Phòng Hành chính tư pháp thành Phòng Hành chính tư pháp và Phòng Hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp (tên gọi như năm 1999, thống kê tư pháp đã chuyển về Văn phòng Sở). 

Năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 25/02/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp và thay thế Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND, Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND. Theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất 29 nhóm nhiệm vụ về công tác tư pháp trong tỉnh; một số nhiệm vụ công tác mới giao gồm: Kiểm soát thủ tục hành chính; Xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật; Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Thừa phát lại (thí điểm năm 2014 - 2015). Trước đó, từ tháng 8/2013, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển sang Sở Tư pháp.

Có thể nói, ở giai đoạn này, Sở Tư pháp được sắp xếp, kiện toàn theo hướng chuyên môn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mở rộng và thực hiện chủ trương xã hội hóa. Trụ sở của Sở Tư pháp đặt tại số 05 Lê Hồng Phong, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên.

6. Giai đoạn 2015 - đến nay

6.1. Tư pháp địa phương


Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thực hiện theo Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Về cơ cấu tổ chức, ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, Thông tư quy định cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp có Văn phòng, Thanh tra và 06 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Thông tư cũng quy định cụ thể về tên gọi của các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tư pháp.

Nhiệm vụ công tác tư pháp cấp xã được xác định trên cơ sở kế thừa quy định về công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã tại Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV và bổ sung các nhiệm vụ mới được giao, bao gồm: Kiểm soát thủ tục hành chính; Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn tiếp cận pháp luật. Cùng gắn với quy định nhiệm vụ của công tác tư pháp cấp xã, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm biên chế, bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật, không bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch kiêm nhiệm công tác khác. 

6.2. Tư pháp tỉnh An Giang

Thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 03/6/2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp và thay thế Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 25/02/2014. Theo đó, bổ sung chức năng của Sở Tư pháp trong các lĩnh vực: Kiểm soát thủ tục hành chính; bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; ngoài ra, Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương theo Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ.

Tính đến nay, Sở Tư pháp có 12 phòng, đơn vị; tổng số công chức, viên chức và người lao động của Sở Tư pháp là 93 người (khối hành chính: 49; khối sự nghiệp: 44); Ở địa phương, Phòng Tư pháp cấp huyện có 59 biên chế/ 11 huyện, thị xã, thành phố; tổng số công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã có 308 biên chế/ 156 xã, phường, thị trấn.

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn