Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Một số kết quả trong tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023
Thông tin khác

Một số kết quả trong tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023

05/01/2024

Năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa, xã hội nhộn nhịp, sôi động. Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tốc triển khai các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, các cấp đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống hằng ngày của người dân, tình hình kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc, GRDP tăng trưởng cao so với cùng kỳ; các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được đảm bảo.

 

Kể từ khi Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh giữ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đã chủ động tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng Kế hoạch triển khai Luật Công chứng đến các Sở, ban, ngành; đơn vị; tổ chức; người dân trong tỉnh; Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; Quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh và Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

An Giang hiện nay có tổng số 23 tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, có 02 Phòng công chứng và 21 Văn phòng công chứng, với tổng số 44 công chứng viên đang hành nghề. Trong năm 2023, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh thực hiện 125.680 việc công chứng, 172.019 việc chứng thực; tổng doanh thu là 45.037.057.127 đồng; tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 5.044.666.431 đồng.

Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và không có công chứng viên bị xử lý hình sự. Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư pháp trong công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu, đã giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Responsive image

Ông Trịnh Tuấn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp và ông Trần Minh Tiên – Chủ tịch Hội Công viên tỉnh tiến hành ký kết Quy chế phối hợp

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động công chứng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như:

Một là, vấn nạn các loại tội phạm lừa đảo ở cấp độ ngày càng tinh vi, phạm vi rộng và khó kiểm soát. Tình trạng sử dụng giấy tờ giả ngày càng tinh vi, các loại giấy tờ làm giả trong hoạt động công chứng ngày càng phức tạp và đa dạng: từ bằng tốt nghiệp đại học, chứng minh nhân dân, thậm chí những loại giấy tờ gắn liền với tài sản có giá trị lớn như giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất; hợp đồng mua bán căn hộ, đăng ký ô tô, xe máy… Hành vi giả mạo giấy tờ, mạo danh người đi công chứng đã tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính;

Hai là, hoạt động công chứng theo hướng dịch vụ nhằm phục vụ yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, đơn giản về thủ tục. Tuy nhiên hiện nay sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện pháp luật về công chứng mặc dù có tăng cường nhưng thiếu đồng bộ. Quy định pháp luật liên quan đến công chứng mặc dù đã rõ ràng, đầy đủ nhưng những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn qua tiếp nhận, giải thích, hướng dẫn về nghiệp vụ của mỗi cơ quan, UBND các cấp… lại khác nhau dẫn đến sự phiền hà cho người dân khi phải hoàn thiện hồ sơ công chứng, nhất là đối với các Văn phòng đăng ký đất đai của các huyện, thị xã, thành phố (bộ phận một cửa);

Ba là, số lượng công chứng viên trên địa bàn còn khá ít, trình độ pháp lý và kỹ năng hành nghề giữa các công chứng viên không đồng đều, dẫn đến tình trạng sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ còn xảy ra trong quá trình hành nghề, nhất là sai sót về trình tự, thủ tục công chứng và thu phí công chứng. Do số lượng công chứng viên thiếu nên các Văn phòng công chứng thực hiện việc hợp danh, chấm dứt hợp danh qua lại liên tục, gây khó cho công tác quản lý nhà nước;

Bốn là, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng vẫn còn môt số quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa một số luật, bộ luật với nhau, như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch… Một số quy định chưa rõ ràng, chưa bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, điều này dẫn đến việc vận dụng và áp dụng pháp luật để thực hiện trong hoạt động công chứng gặp nhiều khó khăn, ngay cả trong các thành viên trong Hội Công chứng viên vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất, do xuất phát từ những quy định mang tính chung chung của pháp luật;

Năm là, cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh An Giang đã được tỉnh xây dựng từ năm 2019. Tuy nhiên, mỗi tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu khác nhau nên dẫn đến không thống nhất, khó theo dõi cập nhật kịp thời, nguy cơ rủi ro trong giao dịch là rất lớn. Cho nên, cần phải có phần mềm dùng chung thống nhất trên cả nước. 

Những khó khăn, vướng mắc trên xuất phát từ những nguyên nhân như: (1) Một bộ phận công chứng viên do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, hạn chế về trình độ nghiệp vụ hoặc do nhận thức, đạo đức nghề nghiệp còn yếu kém, có xu thế chạy theo lợi nhuận đã để xảy ra những sai sót, vi phạm trong hoạt động hành nghề. Qua đó, ảnh hưởng đến chất lượng chung của hoạt động công chứng, hình ảnh, uy tín của nghề công chứng; (2) Văn bản pháp luật trong lĩnh vực công chứng và văn bản pháp luật có liên quan còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa có sự thống hất, đồng bộ trong quá trình áp dụng; (3) Những quy định của pháp luật liên quan đến chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký chưa điều chỉnh kịp các quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc có điều chỉnh nhưng không bao quát, chi tiết nên khó áp dụng trong thực tiễn. (4) Những bước phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay, song song với trình độ làm giả giấy tờ, tài liệu ngày càng tinh vi. Lực lượng Công chứng viên gặp nhiều khó khăn trong khâu nhận biết được các giấy tờ, tài liệu giả mạo mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong quá trình công tác; việc trang bị các phương tiện, máy móc hỗ trợ đội ngũ Công chứng viên để nhận biết giấy tờ giả tại các tổ chức hành nghề công chứng chưa được thực hiện hoặc được trang bị nhưng còn hạn chế.

Responsive image

Đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh

Trong năm 2024, tỉnh An Giang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng phù hợp với Luật Công chứng; thường xuyên quan tâm đào tạo đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, có trình độ ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về công chứng, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Thông tư số 08/2023/TT-BTP ngày 02/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng. Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 22/7/2020 của UBND tỉnh; Công văn số 2726/BTP-BTTP ngày 28/7/2020 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chấn chỉnh hoạt động công chứng tại địa phương. Đồng thời, thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong Nhân dân về các thủ đoạn của tội phạm để người dân cảnh giác, nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn khi tham gia thực hiện các giao dịch… Nâng cao trách nhiệm và năng lực thẩm định hồ sơ của công chứng viên để ngăn ngừa việc công chứng giả mạo. Thường xuyên cập nhật các mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành và cách thức nhận biết giấy tờ thật giả, kèm theo trang bị các máy móc hiện đại để kiểm tra, đối chiếu./.

MỸ THOA

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn