Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Những điều lưu ý về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT
Điểm tin pháp luật

Những điều lưu ý về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT

06/02/2025

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 và thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

 

Dạy thêm, học thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan đến học sinh cũng như gia đình học sinh. Vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm là đúng thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để góp phần công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và giúp mọi người có cách hiểu thống nhất về tinh thần, nội dung quy định nêu trên, cần tìm hiểu nội dung và những điều lưu ý về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT như sau:

1. Một là: Quy định rõ khái niệm “dạy thêm, học thêm trong nhà trường” và “dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường”, cụ thể:

a) Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức thực hiện.

b) Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm không do nhà trường quy định tại khoản 2 Điều này tổ chức thực hiện.

2. Hai là: Việc dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã có những quy định mới so với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Theo đó, tinh thần của Thông tư số 29 là dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường, tức là không được cắt xén, trùng lắp kiến thức. Các quy định trong Thông tư số 29 thể hiện việc dạy thêm, học thêm phải minh bạch, rõ ràng để bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô, đồng thời hướng nhà trường từng bước hình thành phương pháp, thói quen tự học cho học sinh. Quan trọng nhất, trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương Nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước thì không thể dạy thêm để thu tiền của phụ huynh, học sinh mà không có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

3. Ba là:  Việc dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được cha mẹ học sinh đồng ý. Không được dạy thêm, học thêm trước chương trình. Không được dùng các hình thức kiểm tra, đánh giá để tạo sức ép đối với học sinh.

4. Bốn là: Quy định cụ thể về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm bao gồm:

a) Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

b) Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

c) Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

5. Năm là: Quy định cụ thể hơn về đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường: chỉ học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

6. Sáu là: Dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền.

7. Bảy là: Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm; Bên cạnh đó, việc dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì phải có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.

8. Tám là: quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cấp quản lý trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm; nhà trường có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường./.

BÍCH NGỌC

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

2

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn