Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Giới thiệu một số nội dung trọng tâm của Luật Công đoàn năm 2024
Điểm tin pháp luật

Giới thiệu một số nội dung trọng tâm của Luật Công đoàn năm 2024

11/12/2024

Luật Công đoàn năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 21/10/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Luật được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn năm 2012; thể chế hóa Hiến pháp, các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sau đây xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Công đoàn năm 2024.

 

Luật Công đoàn năm 2024 gồm 6 chương, 37 Điều, điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động được hiến định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, Luật còn quy định về các vấn đề, gồm: Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam; hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam; hợp tác quốc tế về công đoàn; các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, bổ sung quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của “người làm việc không có quan hệ lao động”; quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của “người lao động là công dân nước ngoài” (không có quyền thành lập); bổ sung quy định về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam và hợp tác quốc tế về công đoàn; bổ sung và làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm.

Về quyền, trách nhiệm của Công đoàn và đoàn viên công đoàn: Luật quy định cụ thể hơn đối với 10 nhóm quyền, trách nhiệm của Công đoàn, gồm: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và kiến nghị xây dựng pháp luật; tham dự kỳ họp, phiên họp, cuộc họp và hội nghị; tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; giám sát của Công đoàn; phản biện xã hội của Công đoàn; tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động; phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; quyền, trách nhiệm của Công đoàn đối với người lao động ở nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Về trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động đối với Công đoàn: Nhà nước có chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách trưởng thành từ cơ sở, người lao động trưởng thành trong phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước kịp thời xử lý kiến nghị của công đoàn liên quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hoạt động công đoàn; bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để Công đoàn tham gia ý kiến, phản biện xã hội theo quy định.

Về bảo đảm hoạt động của Công đoàn: Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của “công đoàn cấp trên trực tiếp”; Công đoàn có trách nhiệm “đại diện theo pháp luật” khởi kiện vụ việc ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn khi bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật, trừ trường hợp cán bộ công đoàn từ chối.

Ngoài ra, Luật còn quy định đảo đảm về tài chính công đoàn, giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Phòng Xây dựng kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

2

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn