Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Một số quy định pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp
Điểm tin pháp luật

Một số quy định pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp

15/05/2024

Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BTP về việc quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp (Sau đây gọi tắt là Thông tư số 09/2023/TT-BTP), có hiệu thi hành kể từ ngày 29/12/2023.

 

Thông tư số 09/2023/TT-BTP gồm 04 chương với 24 điều; kèm theo 02 phụ lục: (Phụ lục I – Sơ đồ quy trình giám định trong lĩnh vực tư pháp; Phục lục II – Biểu mẫu văn bản giám định trong lĩnh vực tư pháp). Nội dung chủ yếu của Thông tư số 09/2023/TT-BTP gồm: Phạm vi các việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp; Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, Hội đồng giám định tư pháp; Tiếp nhận, thực hiện giám định tư pháp; Áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; thời hạn giám định tư pháp; Hồ sơ, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp. 

Responsive image

Quang cảnh Tọa đàm về vướng mắc, khó khăn trong triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp và văn bản liên quan do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/4/2024

Một số quy định cơ bản về giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp như sau:

(1) Phạm vi các việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp: Giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp là việc giám định về nội dung chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật.

(2) Tiêu chuẩn bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp: Điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp như sau: (a) Có trình độ đại học trở lên về ngành luật hoặc ngành đào tạo khác phù hợp với chức danh hoặc vị trí việc làm, do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam. (b) Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày được tuyển dụng hoặc tiếp nhận làm việc hoặc đăng ký hành nghề trong lĩnh vực tư pháp, phù hợp với lĩnh vực giám định tư pháp mà người đó được bổ nhiệm.

Việc công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc: Căn cứ vào nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp, lập hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp lựa chọn đơn vị chuyên môn có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp, Điều 5 Thông tư 09/2023/TT-BTP đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

(3) Quy định phân công, cử người thực hiện giám định ở địa phương: Khi tiếp nhận quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, Sở tư pháp căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định, xem xét phân công đơn vị chuyên môn lựa chọn, đề xuất cử giám định viên tư pháp hoặc người giám định tư pháp theo vụ việc hoặc công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ phù hợp với nội dung yêu cầu giám định và dự kiến số lượng người làm giám định. Trường hợp cử từ 02 người trở lên thực hiện việc giám định thì thành lập Tổ giám định, trong đó giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ giám định cho một trong số những người được đề xuất cử làm giám định. Tổ trưởng Tổ giám định có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Tổ giám định, người giúp việc (nếu có), điều hành việc chuẩn bị, thực hiện giám định.

(4) Việc giám định theo trưng cầu, yêu cầu trong lĩnh vực tư pháp được thực hiện được quy định từ điều 10 đến điều 16 Thông tư số 09/2023/TT-BTP, được chi tiết thành Phụ lục I - Sơ đồ quy trình giám định trong lĩnh vực tư pháp gồm 06 bước như sau: Bước 1: Giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu hoặc yêu cầu giám định (Tối đa 05 ngày); Bước 2: Chuẩn bị giám định (Tối đa 25 ngày); Bước 3: Thực hiện giám định (Tối đa 50 ngày); Bước 4: Kết luận giám định (Tối đa 05 ngày); Bước 5: Trả kết luận giám định (Tối đa 01 ngày); Bước 6: Lập, lưu và bảo quản hồ sơ giám định (Tối đa 04 ngày).

(5) Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp theo quy định sau: Theo khoản 1 điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp năm 2020, thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.

Theo khoản 2 điều 26a Luật Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng. Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định tư pháp cho từng loại việc cụ thể. Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.

Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định tư pháp nhưng không được vượt quá thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp năm 2020. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Thời hạn của từng bước trong quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực tư pháp được quy định tại sơ đồ quy trình giám định trong lĩnh vực tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 09/2023/TT-BTP.

Như vậy, theo Thông tư số 09/2023/TT-BTP, căn cứ vào nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng ở địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp rà soát, lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp, đơn vị chuyên môn có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp, Điều 5 Thông tư số 09/2023/TT-BTP đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc./.

MỸ THOA

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn