Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Định hướng phương án nhân sự cấp uỷ và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp sau sắp xếp
Điểm tin pháp luật

Định hướng phương án nhân sự cấp uỷ và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp sau sắp xếp

18/04/2025

Ngày 14/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, có hiệu lực từ 15/04/2025. Theo đó, định hướng về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp như sau:

 

1. Căn cứ vào nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đáp ứng các định hướng sau đây: (1) Xã miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; (2) Xã hình thành sau sắp xếp không thuộc điểm (1) và điểm (4) có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự nhiên đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn của xã tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; (3) Phường hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 5,5 km2 trở lên; Đối với phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô dân số đạt từ 45.000 người trở lên; Phường thuộc tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới có quy mô dân số đạt từ 15.000 người trở lên; Các phường còn lại có quy mô dân số đạt từ 21.000 người trở lên; (4) Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trường hợp sắp xếp từ 03 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 01 xã, phường mới thì không phải xem xét định hướng về tiêu chuẩn theo quy định nêu trên.

3. Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp không thể đáp ứng các định hướng về tiêu chuẩn theo quy định nêu trên và không thuộc trường hợp vừa nêu thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, bảo đảm cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Cùng ngày 14/4/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 150-KL/TW  về Hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới; Theo đó, Kết luận đã định hướng cụ thể về quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu khi xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới như sau:

1. Việc xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ; Phân công cấp uỷ viên, uỷ viên Ban Thường vụ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất, sáp nhập là công việc quan trọng, cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Thường vụ các Tỉnh uỷ, Thành uỷ (trước và sau hợp nhất, sáp nhập) và các cơ quan chức năng theo quy định; Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với việc nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị;

2. Phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập bao gồm các đồng chí cấp uỷ viên, Uỷ viên Ban Thường vụ cấp uỷ, Uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cấp tỉnh đương nhiệm; đối với cấp xã mới thành lập, bao gồm: Cấp Uỷ viên, Uỷ viên ban thường vụ, Uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cấp huyện, sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp uỷ viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;

3. Giữ vững nguyên tắc trong công tác nhân sự, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Việc phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện; Trong đó đặc biệt coi trọng, đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung và có kết quả, sản phẩm công tác cụ thể. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học, công nghệ nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ. Không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra;

4. Tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và cấp phó của các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn so với quy định; Đồng thời, việc phân công, bố trí số lượng cấp Uỷ viên, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ ban kiểm tra cấp uỷ có thể nhiều hơn ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc; Tuy nhiên, sau 5 năm, số lượng và việc bố trí nhân sự sẽ thực hiện theo quy định. Đối với đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới) thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là cấp uỷ viên cấp tỉnh làm Bí thư đảng uỷ; trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ làm Bí thư đảng uỷ;

5. Thường trực cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh, cấp xã và cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập phải thực sự là một tập thể tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, đoàn kết, thống nhất cao; Bảo đảm tính kế thừa, phát triển và có cơ cấu đại diện cân đối, hài hoà giữa các địa phương, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng;

6. Chủ động làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời đối với những hành vi, việc làm vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhất là trong công tác bố trí, sắp xếp nhân sự.

Responsive image

Ảnh minh hoạ - nguồn internet

Về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp sau sắp xếp; Ngày 14/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 759/QĐ-TTg phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp sau sắp xếp. Theo đó, phương án tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp được cụ thể như sau: Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cấp xã gồm xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo); Bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và thị trấn. Về cơ cấu; tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) cơ bản giữ nguyên như mô hình tổ chức hành chính địa phương cấp tỉnh như hiện tại.

Riêng tổ chức chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu) được cơ cấu như sau:

1. Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND;

2. HĐND cấp xã thành lập 02 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội;

3. Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã: Do bỏ toàn bộ ĐVHC cấp huyện, tổ chức sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã để hình thành các ĐVHC cấp xã có quy mô lớn hơn so với cấp xã hiện nay; Đồng thời, chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện. Chính phủ dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 04 phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu);

4. Đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp) thì có thể không tổ chức phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 01 phó Chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn;

5. Đối với trường hợp sắp xếp từ 02 ĐVHC cấp xã trở lên thành 01 ĐVHC cấp xã mới, định hướng tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã. Giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quy mô diện tích tự nhiên, dân số, đặc thù quản lý của từng ĐVHC cấp xã để quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND của từng cấp xã cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng dẫn của Chính phủ;

6. Định hướng tổ chức 04 phòng gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa - Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công./. 

TẤN MẪM

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

2

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn