Trong phần thứ nhất (những quy định chung) của Bộ luật TTDS năm 2015 có những điểm mới cơ bản cần quan tâm, đó là:
Thứ nhất, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (Khoản 2 Điều 4 )
Đây là quy định mới được bổ sung nhằm thể chế hóa tinh thần cải cách tư pháp về Tòa án phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về vai trò của Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp cho nên mọi tranh chấp, khiếu kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức về dân sự Tòa án phải có trách nhiệm giải quyết. Việc bổ sung vấn đề này cũng để đồng bộ với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên, để tránh việc giải quyết tràn lan, không phải mọi khởi kiện, mọi yêu cầu nào Tòa án cũng thụ lý giải quyết, BLTTDS đã giới hạn vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng mà Tòa án thụ lý giải quyết là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng (quy định tại Điều 43 đến Điều 45 của BLTTDS).
Thứ hai, bảo đảm tranh tụng trong xét xử (Điều 24)
BLTTDS sửa đổi, bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử”, coi đây là một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS chi phối quá trình tố tụng. Nội dung của nguyên tắc này có những điểm chủ yếu như sau:
- Nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng từ khi khởi kiện thụ lý vụ án cho đến khi giải quyết xong vụ án trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Nội dung của tranh tụng được thể hiện như sau:Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, đặc biệt là quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự…Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của BLTTDS…Trong quá trình tố tụng, các chứng cứ của vụ án phải được công khai, trừ trường hợp không được công khai định theo quy định tại Khoản 2 Điều 109 của BLTTDS. Các đương sự đều có quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai). Đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án (trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai).
Thứ ba, về sự tham gia của Viện kiểm sát
Về đối tượng các vụ việc Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp, cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm như quy định tại BLTTDS năm 2004 sửa đổi năm 2011. BLTTDS đã bổ sung một số nội dung mới như sau:
+ Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án(Điều 262).
+ Trường hợp Viện kiểm sát vắng mặt tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm thì không hoãn phiên tòa (kể cả phiên tòa theo thủ tục rút gọn), trừ trường hợp vụ việc Viện kiểm sát có kháng nghị (Điều 232, Khoản 1 Điều 296, Khoản 1 Điều 320, Khoản 2 Điều 324, Khoản 1 Điều 367, Khoản 1 Điều 374).
+ Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.
Thứ tư, về thẩm quyền của Tòa án (Chương III từ Điều 26 đến Điều 42)
Về thẩm quyền của Tòa áncó 3 vấn đề mới bổ sung sau đây:
- Tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, các yêu cầu về dân sự. Quy định này là để cụ thể hóa nguyên tắc: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Từ Điều 26 đến Điều 33 của BLTTDS quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, các yêu cầu về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
- Về thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử: Thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, BLTTDS đã quy định Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết sơ thẩm hầu hết các vụ việc dân sự. Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ việc mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc những tranh chấp mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện; phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa án nhân dân cấp tỉnh không còn thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như trước đây mà chỉ có thẩm quyền kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của BLTTDS thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.
Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bằng Hội đồng xét xử gồm 03 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao.
Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc toàn thể thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Thẩm quyền của Tòa chuyên trách: Để phù hợp với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về chức năng nhiệm vụ của các Tòa chuyên trách, nhất là đối với “Tòa gia đình và người chưa thành niên”, BLTTDS đã bổ sung thẩm quyền của các Tòa chuyên trách như: Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện (Điều 36);Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Điều 38)./.
(còn phần tiếp theo)
CAO THANH SƠN