Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về bố cục, kỹ thuật soạn thảo và một số nội dung trong dự thảo
Điểm tin pháp luật

Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về bố cục, kỹ thuật soạn thảo và một số nội dung trong dự thảo

27/02/2023

Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo và bản gợi ý Một số nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xin ý kiến Nhân dân. Qua nghiên cứu, về cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo, bên cạnh đó cũng xin đóng góp một số ý kiến để góp phần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về bố cục kỹ thuật soạn thảo và một số nội dung trong dự thảo:

 

Một là về bố cục của dự thảo

- Khoản 6 Điều 3 của dự thảo Luật giải thích thuật ngữ “Chiếm đất”, còn việc giải thích thuật ngữ về “Lấn đất” lại bố trí tại khoản 34 Điều 3.

- Khoản 7 Điều 3 của dự thảo giải thích thuật ngữ “Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp”, còn khoản 12 Điều 3 giải thích thuật ngữ “Dồn điền, đổi thửa”.

- Việc giải thích thuật ngữ “Kế hoạch sử dụng đất...” được bố trí tại khoản 29 Điều 3, tuy nhiên việc giải thích thuật ngữ “Quy hoạch sử dụng đất” lại bố trí tại khoản 41 Điều 3.

Giữa từng cặp thuật ngữ nêu trên có liên hệ với nhau, do đó đề nghị Ban Soạn thảo bố trí từng cặp thuật ngữ nêu trên liên tục trên dưới, nhằm đảm bảo tính hệ thống, logic, dễ phân biệt, dễ hiểu.

Hai là về kỹ thuật soạn thảo

- Khoản 5 Điều 3 quy định “Chi phí đầu tư vào đất còn lại là chi phí hợp lý đã đầu tư trực tiếp vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất, có căn cứ chứng minh đã đầu tư vào đất mà đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi được.”

Đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung vào cuối đoạn cụm từ “chi phí đã đầu tư” giúp cho quy định được rõ nghĩa.

- Khoản 10 Điều 3 giải thích thuật ngữ “Cộng đồng dân cư”, tuy nhiên nội dung này đã được giải thích và giống như tại khoản 24 Điều 2 Luật Lâm nghiệp. Do đó, đề nghị bỏ việc giải thích khoản này trong dự thảo.

- Khoản 16 Điều 3 giải thích “Đất có mặt nước ven biển là đất có mặt nước tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (đường triều kiệt) đến đường sáu (06) hải lý theo quy định của pháp luật.”

Đề nghị thay bằng cụm từ “tính từ đường mép nước” bằng cụm từ “tính từ mực nước” cho cụ thể, dễ hiểu.

- Khoản 18 Điều 3 giải thích “Gia hạn sử dụng đất là việc người sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng đất sau khi hết thời hạn theo mục đích đang sử dụng theo quy định của Luật này.”

Đề nghị Ban Soạn thảo điều chỉnh lại như sau “Gia hạn sử dụng đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chủ thể tiếp tục sử dụng đất sau khi hết thời hạn theo mục đích đang sử dụng theo quy định của Luật này.” nhằm đảm bảo tính dễ hiểu, đầy đủ.

- Khoản 23 Điều 3 giải thích “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành giá trị tài sản trong vốn điều lệ của doanh nghiệp, bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.”

Đề nghị điều chỉnh thành “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất để tạo thành giá trị tài sản trong vốn điều lệ của doanh nghiệp, bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

- Khoản 25 Điều 3 giải thích“Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân, chủ thể khác mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.”

Đề nghị Ban Soạn thảo điều chỉnh thành “Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân, chủ thể khác mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.”

Ba là về nội dung của dự thảo

- Khoản 25 Điều 3 dự thảo quy định “25. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách của “Nhà nước nhằm trợ giúp” cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển ngoài các khoản đã bồi thường theo quy định của Luật này.”

Đề nghị thay cụm từ “Nhà nước nhằm trợ giúp” thành “Nhà nước nhằm đảm bảo” hoặc là “Nhà nước nhằm trả” cho người có đất bị thu hồi.

Vì quyền sử dụng đất được khẳng định tại Điều 13 dự thảo Luật là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt. Khi nó được xem là một loại tài sản thì quyền về tài sản được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp này, người bị thu hồi đất có thể bị ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, nghề nghiệp thì bên gây ra thiệt hại đó có trách nhiệm và nghĩa vụ phải hoàn trả, đảm bảo khắc phục thiệt hại đó, do đó, việc sử dụng cụm từ “Nhà nước nhằm trợ giúp” là chưa phù hợp với bản chất của đối tượng gây thiệt hại cho người khác.

- Khoản 42 Điều 3 giải thích từ ngữ “Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất, cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng và các tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.”

Đề nghị Ban Soạn thảo rà soát việc quy định như dự thảo có đầy đủ chưa. Bởi vì thuật ngữ “Tài sản gắn liền với đất” được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định “4. Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.”. Theo đó, quy định này có phạm vi rộng hơn nên đề nghị Ban Soạn thảo rà soát nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

- Khoản 1 Điều 4 quy định “1. Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các luật khác có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đất đai và Luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, trừ các trường hợp sau đây:”

Nội dung quy định này đã trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật. Cụ thể: Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”

Đây được xem là Luật làm luật và không thể mỗi văn bản quy định một kiểu. Đề nghị Ban Soạn thảo cần bám vào nguyên tắc này thì việc xây dựng hệ thống pháp luật mới thống nhất và hướng đến hoàn thiện. Bên cạnh đó, đề nghị rà soát khoản 2 Điều 4 do có tính chất tương tự.

- Khoản 1 Điều 6 quy định:“1. Đúng mục đích sử dụng đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất.”

Đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung vào cuối đoạn cụm từ “và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước ở từng thời điểm.”

Bởi vì, nếu quy định như dự thảo thì sẽ xảy ra trường hợp sau: trước đây năm 2019, Nhà nước giao đất với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, nhưng đến năm 2022, Nhà nước quy hoạch khu này thành đất lâm nghiệp. Căn cứ quy định như dự thảo, người sử dụng đất sẽ không chuyển mục đích sử dụng đất với lý do đã sử dụng đúng mục đích sử dụng đất do Nhà nước giao, như vậy sẽ dẫn đến không chấp hành quy hoạch về đất đai.

- Điều 10. Phân loại đất

Dự thảo quy định theo hướng liệt kê, do liệt kê có thể không bao quát và sẽ phát sinh các loại đất trong tương lai, như vậy mỗi lần phát sinh không thể sửa Luật. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo thiết kế 01 khoản về ủy quyền cho Chính phủ quy định thêm đối với trường hợp thiếu hoặc phát sinh mới.

- Điều 100: Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi

1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của loại cây trồng đó tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

b) Đối với cây lâu năm, được bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất; người có vườn cây bị thu hồi được thu hoạch sản phẩm còn lại;

2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản được bồi thường thiệt hại thực tế theo mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng theo quy định của pháp luật về trồng trọt; đơn giá bồi thường thiệt hại về vật nuôi quy định tại Điều này để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất.”

Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát điều chỉnh lại khoản 1 Điều 100 của dự thảo cho phù hợp với khoản 3 Điều 100.

Thứ nhất, đối với điểm a đã có cách tính ra giá bồi thường nên không nhất thiết phải ban hành đơn giá như quy định tại khoản 3 Điều 100.

Thứ hai, điểm b thì bồi thường theo giá trị thực tế, nếu giá trị thực tế thì thu hồi thời điểm nào thì bồi thường tại thời điểm đó, lúc đó đơn giá bồi thường không có giá trị bởi vì ban hành trước, ban hành trước thì lạc hậu, lạc hậu do không phải thực tế.

- Điều 224. Hòa giải tranh chấp đất đai

Đề nghị Ban Soạn thảo cần quy định giá trị pháp lý đối với biên bản hoà giải thành của UBND cấp xã. Bởi, sau khi hòa giải thành có thể sẽ phát sinh các thủ tục pháp lý tiếp theo và trong quá trình thực hiện thì một trong các bên không hợp tác, không thực hiện nội dung biên bản hòa giải thành thì thực hiện như thế nào: tiếp tục đưa ra tòa án giải quyết hay thực hiện cưỡng chế?

NGUYỄN VĂN THƠM

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn