Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Quy định pháp luật hiện hành với phong tục, tập quán đặt tên của người dân tộc Chăm, Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang
Điểm tin pháp luật

Quy định pháp luật hiện hành với phong tục, tập quán đặt tên của người dân tộc Chăm, Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang

08/09/2021

Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm); họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thoả thuận của cha mẹ; nếu không có thoả thuận thì họ của con được xác định theo tập quán; trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải bằng chữ; việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi tích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.

 

Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch, khi đăng ký khai sinh họ, chữ đệm và tên của trẻ em được xác định theo thoả thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật về dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không thoả thuận được thì xác định theo tập quán.

Từ xưa cho đến nay, việc đặt họ, tên của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, đồng bào Khmer An Giang nói riêng rất đa dạng và linh hoạt. Điểm nổi bật của việc đặt họ, tên của đồng bào Khmer là khi đọc họ, tên là chúng ta sẽ phân biệt được đó là người Khmer ở tỉnh nào. Chẳng hạn như: họ Thạch - Trà Vinh, họ Sơn - Sóc Trăng, họ Danh - Kiên Giang, họ Chau và Néang là họ của người Khmer An Giang.

 Theo tài liệu các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam) của Viện Dân tộc học do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2014 cho rằng: Tháng 6 năm 1837, Tổng đốc Định Biên (Gia Định - Biên Hòa) là Nguyễn Văn Trọng, ngoài việc tâu xin hoãn thuế cho người Khmer còn tâu xin ban cho chữ tên “họ” để phân biệt nòi giống. Vua Minh Mạng cho gia ân giảm 5 phần 10 thuế thân cho người Khmer, còn việc ban họ cho người Khmer thì giao cho địa phương “chép ra các họ liệu mà ban cho”. Nên trong khoảng thời gian này, Vua Minh Mạng đã ban cho người Khmer “tính thị” (họ): Danh, Lâm, Kiên, Kim, Sơn, Thạch. Trong bộ Đại Nam Thực Lục, Sử thần nhà Nguyễn còn chép lại những họ vua Minh Mạng mang ra làm “thí dụ” mà người Khmer do lai với người Kinh, người Hoa mà có như: Lý, Đào, Dương, Hạnh, Ngươu, Đương, Tượng, Mã…để các tỉnh lấy đó làm mẫu.

Đối với người Khmer An Giang, lúc này đang mang họ Danh vì An Giang thời điểm đó là tỉnh Hà Tiên, sau khi thực dân Pháp xâm lược đến vùng Thất Sơn thuộc tỉnh Châu Đốc thì người Khmer nơi này đã được thực dân Pháp đổi lại thành họ “Châu” đọc chạy là “Chau” do cách phát âm của người Khmer, họ “Néang” (Nàng) cũng xuất hiện sau đó để phân biệt giữa nam và nữ người Khmer, hai họ này đã tồn tại đến ngày nay. Có thể từ thập niên 80 đến nay, một hình thức đặt họ mới đã xuất hiện trong đồng bào Khmer An Giang. Việc lấy tên cha hoặc mẹ, hay tên của một người có uy tín trong gia đình, dòng tộc để làm họ cho con thay thế cho họ “Chau” và “Néang” đã trở nên phổ biến đến hiện nay. Chẳng hạn như: Cha tên Chau Sóc Sơn thì con sẽ là “Sơn Kim Thai”; mẹ tên Néang Tít thì con sẽ là Tít Vanh Kun Thia….Nguyên nhân của cách lấy họ này có thể là do ảnh hưởng từ Campuchia vì cách đặt họ như vậy đọc rất giống tên của nhiều diễn viên, ca sỹ của Campuchia, hoặc cách ghép họ, chữ đệm từ tên cha, tên mẹ giống như cách đặt tên hiện nay của người Kinh chẳng hạn như: Nguyễn Huỳnh…., Phạm Cao…., Trần Hoàng…

Về cách đặt tên của người Khmer, có nhiều cách đặt và cũng có những nét tương tự như cách đặt tên của người Kinh. Đối với những trẻ em sinh ra trong những gia đình có học vấn tốt thì tên cũng có ý nghĩa nhất định như: Sâm Bô (giàu có), Đa Ra (tinh tú), Bô Pha (Hoa), Boramey (ánh trăng sáng)…Đại đa số tên trẻ em Khmer cũng được tham khảo từ các vị Sư cả, các vị À Cha trong các chùa Phật giáo Nam tông Khmer nên tên có ý nghĩa nhưng khi phiên âm từ chữ phạn ra chữ quốc ngữ thì thiếu cơ sở và nguyên tắc phiên âm, chưa có chuẩn phiên âm nào dành cho họ, tên người dân tộc.

Để giải quyết những vướng mắc phát sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch, tại Công văn số 484/HTQTCT-HT ngày 14/5/2019, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc xác định họ khi đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú theo tập quán, cụ thể như: “Họ của cá nhân được xác định theo họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thoả thuận của cha mẹ; nếu không có thoả thuận thì họ của con được xác định theo tập quán, kể cả trường hợp lựa chọn họ cho con theo tập quán thì cũng phải đảm bảo họ của con phải theo họ cha hoặc họ mẹ ”.

NGỌC TIẾP

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn