Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Giải đáp một số vướng mắc về công tác hộ tịch của Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch năm 2018
Hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Tư pháp

Giải đáp một số vướng mắc về công tác hộ tịch của Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch năm 2018

19/06/2018

Hỏi: Cải chính hộ tịch có thể nói tàng thư hộ tịch trước năm 1975 có sai sót về năm sinh đến 30% so với các giấy tờ hiện tại được xác lập. Do nguyện vọng chính đáng của người dân. Đề nghị Sở Tư pháp có hướng mở cách làm căn cứ để cải chính theo các giấy tờ được xác lập sau năm 1975 được thừa nhận như CMND, Sổ hộ khẩu. Nếu vận dụng đúng quy định (khai sinh là giấy tờ gốc), bình quân 01 gia đình có 02 người con thì có thể đến 10 loại giấy tờ phải cải chính, gây nhiều khó khăn cho người dân, và công tác hộ tịch cứ trong vòng lẫn quẫn không có lối thoát mà việc thay đổi, cải chính cũng không thể làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của người đó.

 

Sở Tư pháp giải đáp một số khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ hộ tịch của Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch năm 2018, như sau:

 

Hỏi: Cải chính hộ tịch có thể nói tàng thư hộ tịch trước năm 1975 có sai sót về năm sinh đến 30% so với các giấy tờ hiện tại được xác lập. Do nguyện vọng chính đáng của người dân. Đề nghị Sở Tư pháp có hướng mở cách làm căn cứ để cải chính theo các giấy tờ được xác lập sau năm 1975 được thừa nhận như CMND, Sổ hộ khẩu. Nếu vận dụng đúng quy định (khai sinh là giấy tờ gốc), bình quân 01 gia đình có 02 người con thì có thể đến 10 loại giấy tờ phải cải chính, gây nhiều khó khăn cho người dân, và công tác hộ tịch cứ trong vòng lẫn quẫn không có lối thoát mà việc thay đổi, cải chính cũng không thể làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của người đó.

 

Đáp: Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch”, do đó, không thể có chủ trương chung để áp dụng đại trà đối với mọi trường hợp mà phải xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể khi xác định sai sót (có giấy tờ, tài liệu chứng minh) trong quá trình đăng ký hộ tịch.

 

Do các giấy tờ cá nhân thiết lập sau thời gian đăng ký trong Sổ bộ khai sinh nên không thể coi đó là căn cứ xác định nội dung trong sổ bộ là có sai sót. Để có thêm căn cứ giải quyết yêu cầu cải chính năm sinh, đề nghị cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành xác minh thông tin thực tế về ngày, tháng, năm sinh của công dân (thông qua hồ sơ học bạ, tàng thư hộ khẩu, tàng thư CMND; thông tin về quan hệ gia đình, nhất là ngày, tháng, năm sinh của anh, chị, em ruột của người yêu cầu cải chính. Nếu kết quả xác minh có cơ sở thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu cải chính cho người dân; trường hợp không đủ cơ sở thì cơ quan đăng ký hộ tịch thì từ chối giải quyết.

 

Hỏi: Việc xác nhận tình trạng hôn nhân, có những trường hợp gặp khó khăn như công dân chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987. Sau năm 2000 họ bỏ đi hoặc tự ý ly hôn (không thông qua Toà án), nay 01 trong 2 người yêu cầu UBND xã xác nhận tình trạng hôn nhân để vay vốn ngân hàng hoặc xin đăng ký kết hôn với người khác (họ trình bày với cơ quan đăng ký hộ tịch là có vợ, có chồng mà bỏ đi nhưng đến nay không biết ở đâu). Kiến nghị Sở Tư pháp cho ý kiến về vấn đề này.

 

Đáp: Tại khoản 2 Điều 44 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: “Đối với các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật hộ tịch”. 

 

Đồng thời, khoản 1 Điều 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.

 

Trường hợp này, hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước thời điểm ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn, do vậy sẽ áp dụng quy định của Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 để xem xét tính hợp pháp của quan hệ chung sống giữa hai bên.

 

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội thì: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987,  ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”.  Như vậy, đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, hiện họ chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế).

 

Đồng thời, theo hướng dẫn tại điểm c mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001: “Được coi là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

 

Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;

 

Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

 

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”.

 

Do đó, cơ quan đăng ký hộ tịch cần kiểm tra, xác minh kỹ trên thực tế đối với tất cả các trường hợp có quan hệ chung sống, trường hợp nào phát sinh sớm nhất và thoả mãn một trong các điều kiện được xác định là chung sống như vợ chồng nêu trên thì xác định trường hợp đó là hôn nhân thực tế, các trường hợp xác lập quan hệ chung sống hoặc đăng ký kết hôn sau là kết hôn trái pháp luật. Nếu đến thời điểm yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà quan hệ hôn nhân thực tế chưa chấm dứt bởi quyết định ly hôn của Toà án, không có sự kiện một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì UBND cấp xã có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu cần ghi rõ “Hiện đang có vợ/chồng là…….”.

 

Hỏi: Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhưng không hạnh phúc, người phụ nữ Việt Nam rất thương yêu con, bỏ chồng nhưng không bỏ con, đem con về Việt Nam không có giấy tờ. Hiện nay đi học nhà trường bắt buộc phải có Giấy khai sinh. Trên địa bàn huyện Thoại Sơn có 90 trường hợp trẻ em. Kiến nghị Sở Tư pháp có ý kiến về vấn đề này.

 

Đáp: Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài trong trường hợp người mẹ dẫn con về Việt Nam sinh sống mà không làm thủ tục ly hôn với người chồng nước ngoài. Trong trường hợp này giải quyết như sau:

 

Nếu trẻ em có hộ chiếu nước ngoài thể hiện quốc tịch nước ngoài thì từ chối giải quyết đăng ký khai sinh, đồng thời hướng dẫn làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho trẻ em.

 

Đối với các trường hợp đứa trẻ không có giấy tờ tuỳ thân, Sở Tư pháp đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp hướng giải quyết nhưng đến thời điểm này Sở Tư pháp vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ Bộ Tư pháp. Đối với phản ánh của huyện Thoại Sơn, do số lượng trẻ em tương đối nhiều (90 trẻ). Đề nghị Phòng Tư pháp có văn bản báo cáo Sở Tư pháp để Sở Tư pháp báo cáo, xin ý kiến Bộ Tư pháp hướng dẫn giải quyết kịp thời cho trẻ đi học.

 

Hỏi: Anh A và chị B sống chung với nhau có đăng ký kết hôn, có 02 người con chung, sau đó anh A đi tù nhưng chưa ly hôn. Trong thời gian anh A đi tù chị B chung sống như vợ chồng với anh C, sinh được 02 đứa con. Vậy khi chị B làm thủ đăng ký khai sinh cho con giữa chị B và anh C thì tên cha trong Giấy khai sinh được xác định như thế nào?

 

Đáp: Tại khoản 1, khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ: “1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợpkhông có tranh chấp; 2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợpcó tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này”. Trong trường hợp này cơ quan đăng ký hộ tịch cần hướng dẫn công dân liên hệ Toà án để được xem xét giải quyết việc xác định cha, mẹ, con. Sau khi có Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con cơ quan đăng ký hộ tịch mới giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh theo yêu cầu của bà B.

 

Hỏi: Anh A và chị B sống chung với nhau như vợ chồng chưa đăng ký kết hôn và có 01 đứa con. Năm 2017 họ không còn sống chung nữa. Chị B đã đăng ký khai sinh cho con chị không có tên cha, năm 2018 anh A muốn bổ sung tên cha vào trong Giấy khai sinh của con nhưng anh A không chịu đi xét nghiệm ADN. Như vậy, anh A có làm thủ tục cha nhận con được hay không, có được bổ sung tên cha vào Giấy khai sinh của con hay không?

 

Đáp: Trong trường hợp này cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ khoản 1 Điều91 Luật Hôn nhân và gia đình: “1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết” và khoản 1, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP: “Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịchgồm một trong các giấy tờnhư văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoancủa cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng…..” để giải quyết hồ sơ nhận cha, mẹ con. Sau khi có quyết định nhận cha mẹ con, cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ Điều 27 Luật Hộ tịch để bổ sung tên cha vào Giấy khai sinh của con.

 

Hỏi: Ông Nguyễn Văn A sinh năm 1986, chị Nguyễn Thị B và chị Nguyễn Thị C sinh năm 1983 được mẹ ruột là bà Trần Thị An sinh năm 1958, đăng ký khai sinh tại UBND xã vào năm 1990. Đến năm 2018 ông A, bà B, bà C có đến UBND xã trích lục giấy khai sinh thì trong bộ lưu của bà Trần Thị An sinh năm 1951, nhưng trong sổ bộ lưu không có tên cha trong khai sinh. Công chức tư pháp hộ tịch hướng dẫn thủ tục cho ông A liên hệ UBND huyện cải chính năm sinh của mẹ trong giấy khai sinh của con, nhưng chưa được cải chính với lí do họ của bà An là họ Trần còn các con thì họ Nguyễn chưa đủ cơ sở để cải chính.

 

Đáp: Việc UBND huyện không xem xét, giải quyết yêu cầu cải chính năm sinh của bà An trong Giấy khai sinh của con với lí do họ của bà An là họ Trần còn các con của bà thì theo họ Nguyễn được hiểu là Giấy khai sinh của các con (ngoài giá thú) của bà An phải theo họ của mẹ là họ Trần mới được xem xét cải chính là chưa đúng theo quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 4 Nghị định số 04-CP ngày 16/01/1961 (quy định có hiệu lực tại thời điểm đăng ký khai sinh) không quy định rõ việc đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú là phải theo họ của người cha hoặc họ của người mẹ. Do đó, trong trường hợp này cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền cần tiến hành xác minh trên thực tế (thông qua hồ sơ học bạ, tàng thư hộ khẩu, tàng thư chứng minh nhân dân, gia đình, dân cư khu vực bà An sinh sống…); thông tin về quan hệ gia đình, nhất là ngày, tháng, năm sinh của các anh, chị, em ruột của bà An. Nếu kết quả xác minh có cơ sở khẳng định bà An sinh năm 1951thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền giải quyết yêu cầu cải chính năm sinh theo yêu cầu của bà An; trường hợp không có cơ sở để xác định bà bà An sinh năm 1951  thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hồ sơ.

 

Hỏi: Bà A đến UBND xã xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong khoảng thời gian từ ngày 15/10/1990 đến ngày 16/8/2004 là bà chưa đăkng ý kết hôn với ai để bổ sung hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất. Nhưng trên thực tế qua xem xét các giấy tờ có liên quan do bà A cung cấp thì được biết bà A có bản án ly hôn với ông B vào ngày 15/10/1990. Sau thời gian đó bà A có đăng ký kết hôn với ông C vào ngày 16/8/2004, nhưng ông C chết ngày 21/4/2015. Như vậy, UBND xã có được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo yêu cầu của bà A là từ ngày 15/10/1990 đến ngày 16/8/2004 là bà A chưa đăng ký kết hôn với ai được hay không?

 

Đáp: Trong trường hợp này cơ quan đăng ký hộ tịch áp dụng quy định tại Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP để giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo yêu cầu của bà A.

 

Hỏi: Anh A có vợ con tại thành phố Hồ Chí Minh, vào năm 2011 trong dịp đi công tác ở tỉnh An Giang có chung sống như vợ chồng và có con chung với chị C là bé H, sinh năm 2011. Sau khi sinh con chị C đến UBND xã để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú (con theo họ mẹ), đến năm 2018 anh A và chị C có đến UBND xã để làm thủ tục nhận con và bổ sung thông tin người cha vào trong giấy khai sinh của bé H đồng thời yêu cầu thay đổi họ con theo họ cha. Trong khi anh A chưa ly hôn với vợ tại thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, trường hợp của anh A và chị C được giải quyết như thế nào?

 

Đáp: Trong trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ khoản 2 Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ quyền nhận con: “2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia”để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu nhận con của anh A. Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục nhận con cơ quan đăng ký hộ tịch cần thực hiện đúng theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch và Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP.Sau khi có Quyết định nhận cha, mẹ con cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ quy định tại Điều 28, Điều 29 Luật Hộ tịch để giải quyết hồ sơ yêu cầu bổ sung hộ tịch và thay đổi họ của người con theo họ của người cha trong Giấy khai sinh.

 

Hỏi: Anh A đã có vợ con trong một dịp đi công tác ở tỉnh khác có chung sống với nhau như vợ chồng với chị B và sinh 01 đứa con chung. Anh A về nơi đăng ký thường trú của mình xin làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé (có giấy chứng sinh) đồng thời yêu cầu được ghi tên của mình vào giấy khai sinh, em bé được đăng ký khai sinh theo họ của anh A. Như vậy, trong trường hợp này anh A có được quyền đăng ký khai sinh cho bé không và chị B sau khi sinh con đã bỏ địa phương đi nơi khác không rõ địa chỉ, để lại đứa bé cho anh A nuôi dưỡng, giấy chứng sinh của đứa bé có được đăng ký khai sinh với thông tin đầy đủ của anh A và chị B không?

Đáp: Tương tự như trường hợp nêu trên theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 15/2015/TT-BTP: “1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con. Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp”,từ quy định nêu cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết hồ sơ nhận con của anh A, sau khi có Quyết định nhận cha, mẹ con mới giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh cho bé với đầy đủ thông tin của anh A và chị B. 

 

Hỏi: Ông Nguyễn Văn Quân chết cách đây 30 năm, hiện nay Sổ hộ khẩu gia đình của ông không còn thông tin của ông nữa. Nhưng ông chưa được đăng ký khai tử, cháu nội của ông là anh Nguyễn Văn Chân đến UBND xã yêu cầu đăng ký khai tử cho ông Quân, gia đình cung cấp được Thẻ căn cước của ông Quân cấp từ năm 1979, đồng thời mộ bia của ông thể hiện tên Nguyễn Văn Đèo (hình ảnh từ mộ bia). Như vậy, trong trường hợp này giải quyết như thế nào?Cơ quan đăng ký hộ tịch có tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký khai tử của anh Chân hay từ chối giải quyết?

 

Đáp: Do ông Quân chết đã quá lâu (30 năm), để tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thân thích của người chết trong các quan hệ dân sự liên quan đến tài sản, thừa kế…đề nghị UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết tiến hành xác minh trên thực tế liên quan đến việc ông Quân và ông Đèo có phải là một người tại nơi cư trú cuối cùng của người chết (do thẻ căn cước và mộ bia chưa có sự thống nhất về tên gọi) vận dụng quy định tại mục 7 Chương II Luật Hộ tịch và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thực hiện việc đăng ký khai tử cho ông Quân (Đèo) theo quy định. Trường hợp người chết đã lâu, không có giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử nhưng được dựng bia, mộ hoặc có văn bản xác nhận của người làm chứng có thể thực hiện đăng ký khai tử. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ phải kiểm tra, xác minh chặt chẽ, bảo đảm thông tin, việc làm chứng là đúng sự thật. Đối với yêu cầu đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có bất cứ giấy tờ gì làm cơ sở thực hiện khai tử thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết. 

 

Hỏi: Chị A có một người con trai là B nhưng do chị A không có đăng ký kết hôn nên trong giấy khai sinh không có thông tin của cha. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị A đi xuất khẩu lao động nước ngoài nên B được ông bà ngoại chăm sóc. Sau đó chị A muốn làm thủ tục bảo lãnh B sang nước ngoài để du lịch nhưng hiện hộ chiếu của B đã hết hạn, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bà ngoại của B phải đến UBND xã để làm thủ tục giám hộ thì mới cấp hộ chiếu mới cho B. Bà ngoại của B đến UBND xã yêu cầu làm thủ tục giám hộ cho B. Vậy trong trường hợp này giải quyết như thế nào?

 

Đáp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Bộ Luật Dân sự có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017 quy định rõ về người giám hộ của người chưa thành niên: “Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật dâh sự (giám hộ đương nhiên)thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ”, khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ yêu cầu giám hộ cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21 Luật Hộ tịch để giải quyết hồ sơ cho công dân.

 

Hỏi: Ông Nguyễn Văn A, sinh năm 1999 chưa đăng ký khai sinh. Anh A hiện tại không có CMND, Hộ khẩu và các giấy tờ có liên quan đến bản thân. Do hiện nay cha mẹ đã chết không còn lại các giấy tờ. Như vậy ông Nguyễn Văn A có được giải quyết đăng ký khai sinh được không? Vì trong phần mềm đăng ký khai sinh bắt buộc phải nhập thông tin, giấy tờ tuỳ thân của người đi đăng ký khai sinh.  

 

Đáp: Do ông A chưa được đăng ký khai sinh, đồng thời ông cũng không có giấy tờ tuỳ thân như Hộ khẩu và CMND, cha mẹ đã chết không còn lại Giấy tờ có liên quan đến bản thân, trong trường hợp này cơ quan đăng ký hộ tịch cần hướng dẫn ông liên hệ Sở Tư pháp nơi đang sinh sống để yêu cầu làm thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Sau khi có kết quả xác nhận của Sở Tư pháp là ông A có đủ điều kiện xác nhận có quốc tịch Việt Nam thì cơ quan đăng ký hộ tịch tại địa phương mới thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho ông A. 

 

Hỏi: Đề nghị Sở Tư pháp cung cấp văn bản quy định về việc lấy tên cha, ông bà làm họ cho con khi đăng ký khai sinh là văn bản nào?

 

Đáp: Hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể việc lấy tên cha, ông bà là họ của con khi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán..” tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự”.

 

Hỏi: Anh Nguyễn Văn A, sinh năm 1949 chưa đăng ký khai sinh. Anh A hiện tại có CMND, Hộ khẩu. Anh A yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch cấp giấy khai sinh đồng thời để thông tin của người mẹ vào giấy khai sinh, nhưng mẹ anh đã chêt cách đây 20 năm và không còn bất cứ giấy tờ tùy thân nào cả, chỉ còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất photo để tên mẹ anh A và nơi cư trú. Như vậy có thể làm khai sinh cho anh A và để thông tin người mẹ không?

 

Đáp: Trong trường hợp này cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ Điều 9 Thông tư 15/2015/TT-BTP để tiến hành xác minh thêm trong tàng thư Hộ khẩu, CMND, xác minh tại địa phương khu vực mẹ anh A chung sống để có thêm căn cứ giải quyết hồ sơ nếu đủ cơ sở. đồng thời tại khoản 2 Điều 88 khoản 1 Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình  quy định rõ về thẩm quyền và quyền xác định cha, mẹ con trong trường hợp này là của Tòa án. Do đó, hướng dẫn ông A đến Tòa án nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

 

Hỏi: Cha mẹ là người di cư tự do, không có giấy tờ tùy thân ở Việt Nam, có hai người con sinh tại Campuchia. Hiện gia đình đang sống tại xã, gia đình muốn đăng ký khai sinh cho trẻ. Vậy địa phương đăng ký khai sinh cho trẻ nội dung quốc tịch để như thế nào, những nội dung thông tin không xác định thì bỏ trống được không?

 

Đáp: Trong trường hợp này cơ quan đăng ký hộ tịch nghiên cứu thêm Công văn số 221/BTP-HTQTCT-m ngày 19/10/2016  của Bộ Tư pháp hướng dẫn đăng ký khai sinh cho trẻ em là con của người di cư tự do từ Campuchia về để giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em (nếu những đứa trẻ đủ điều kiện). Trong trường hợp những đứa trẻ nêu trên không đủ điều kiện theo Công văn số 221/BTP-HTQTCT-m ngày 19/10/2016  của Bộ Tư pháp thì hướng dẫn đến Sở tư pháp nơi đăng ký tạm trú để làm thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo quy định.

 

Hỏi: Bà Nguyễn Thị A (không có giấy tờ tuỳ thân, là người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam chủ yếu sống trên chiếc ghe) chung sống như vợ chồng với ông B có giấy tờ tuỳ thân đầy đủ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, sau đó sinh được hai người con tại bệnh viện An Phú. Bệnh viện đa khoa huyện An Phú cấp giấy chứng sinh thì người con thứ nhất sinh năm 2013 ghi tên mẹ là bà Nguyễn Thị A, người con thứ hai sinh năm 2015 ghi họ tên mẹ là Trần Thị A. Cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn bà đến Bệnh viện để điều chỉnh họ trong giấy chứng sinh thì không điều chỉnh được vì bà không có giấy tờ tuỳ thân. Địa phương đi xác minh thì bà A hay thả ghe đi thường xuyên không có nơi ở cố định. Như vậy đăng ký khai sinh cho con bà A giải quyết như thế nào?

 

Đáp: Trong trường hợp này, để giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh cho những đứa trẻ là con của bà A, Cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 15/2015/TT-BTP: “1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con. Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp” để giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh. Do bà Nguyễn Thị A không có giấy tờ tuỳ thân, là người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam nên cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn bà A làm thủ tục đăng ký tạm trú tại địa phương, sau đó liên hệ Sở Tư pháp nơi đăng ký tạm trú để làm thủ tục cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam để  xác định thông tin về nhân thân của bà A (nếu bà có yêu cầu).

 

Hỏi: Chị A sinh năm 1977. Đến năm 2007  mẹ của chị A đổi sổ hộ khẩu, gia đình khai chị A chết lúc 04 tuổi mà không đi khai tử cho đến nay, chị A chết không có mộ bia và Trưởng ấp và người hàng xóm cũng không ai biết. Vậy muốn khai tử chị A thì làm như thế nào?

 

Đáp: Trường hợp người chết đã lâu, không có giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử nhưng được dựng bia, mộ hoặc có văn bản xác nhận của người làm chứng có thể thực hiện đăng ký khai tử. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ phải kiểm tra, xác minh chặt chẽ, bảo đảm thông tin, việc làm chứng là đúng sự thật. Đối với yêu cầu đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có bất cứ giấy tờ gì làm cơ sở thực hiện khai tử thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết. 

 

Hỏi: Ông/bà, người thân thích của trẻ em được quyền đi đăng ký khai sinh.Nhưng khi cấp bản sao trích lục khai sinh cho ông/bà phải có giấy uỷ quyền mà không cần chứng thực. Nhưng cha đi làm ở Bình Dương, mẹ mới sinh con UBND xã tạo điều kiện cho người dân làm khai sinh (bảo sao) không cần giấy uỷ quyền được không?

 

Đáp: Trong trường hợp này để đảm bảo thực hiện quyền được khai sinh, khoản 1, khoản 2 Điều 15 Luật Hộ tịch quy định rõ: “Trong thời hạn 60 ngày (kể từ ngày sinh con), cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.Trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em trước hết thuộc về cha, mẹ của trẻ; trường hợp cha, mẹ của trẻ không đi đăng ký khai sinh cho con được (cha đi công tác xa, mẹ mới sinh còn yếu, không đi được….thì ông,bà (bao gồm cả ông bà nội, ông bà ngoại) hoặc người thân thích khác có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ. Người thân thích theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm: người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời. Người có trách nhiệm, đồng thời cũng là người có quyền đi đăng ký khai sinh cho trẻ em. Do đó, khi thực hiện quyền không phải có văn bản uỷ quyền theo quy định; đồng thời, tại khoản 1 Điều 62 Luật Hộ tịch quy định: “ 1. Khi đăng ký hộ tịch, cơ quan đăng ký hộ tịch cấp 01 bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký hộ tịch, trừ việc đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn”, do đó, việc cấp bản sao tại thời điểm đăng ký khai sinh không cần giấy uỷ quyền của người có liên quan. 

 

Hỏi: Ông A sinh năm 1971, có Giấy chứng minh nhân dân đã hết hạn trên 15 năm, ông A đến Công an tỉnh để đổi giấy chứng minh thì cán bộ hướng dẫn về UBND xã làm thủ tục trích lục khai sinh do thông tin bị sai nên phải có giấy khai sinh để xác định. Nhưng ông A chỉ có chứng minh nhân dân không có giấy tờ tuỳ thân nào khác. Vậy đăng ký khai sinh cho ông A như thế nào?

 

Đáp: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 để giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh cho ông A theo quy định. 

 

Hỏi: Bà Nguyễn Thị A sống như vợ chồng với ông B có được 01 người con sinh ngày 05/3/1986, đến năm 1988 ông B bỏ đi và có vợ con với 01 người phụ nữ khác cho đến năm 2018. Bà A có đến UBND xã để yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để bổ sung hồ sơ vay vốn ngân hàng được không?

 

Đáp: Trường hợp này, hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước thời điểm ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn, do vậy sẽ áp dụng quy định của Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 để xem xét tính hợp pháp của quan hệ chung sống giữa hai bên.

 

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội thì: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987,  ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”.  

 

Đồng thời, theo hướng dẫn tại điểm c mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001: “Được coi là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

 

Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;

 

Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

 

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”.

 

Do đó, cơ quan đăng ký hộ tịch cần kiểm tra, xác minh kỹ trên thực tế đối với tất cả các trường hợp có quan hệ chung sống, trường hợp nào phát sinh sớm nhất và thoả mãn một trong các điều kiện được xác định là chung sống như vợ chồng nêu trên thì xác định trường hợp đó là hôn nhân thực tế, các trường hợp xác lập quan hệ chung sống hoặc đăng ký kết hôn sau là kết hôn trái pháp luật. Như vậy, đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, hiện họ chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế). Nếu có yêu cầu ly hôn thì hướng dẫn họ đến Tòa án để xem xét giải quyết ly hôn.

 

Nếu đến thời điểm yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà quan hệ hôn nhân thực tế chưa chấm dứt bởi quyết định ly hôn của Toà án, không có sự kiện một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì UBND cấp xã có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu cần ghi rõ “Hiện đang có vợ/chồng là…….”.

 

Hỏi: Trước đây ông Đàm Văn Đợi và bà Nguyễn Thị Nhàn có nhận 01 đứa con nuôi đặt tên là Đàm Văn Dũng, sinh năm 1972 (theo Hộ khẩu và chứng minh nhân dân) ở với ông bà từ trước đến nay không có Giấy khai sinh. Vào ngày 07/5/2018 mẹ ruột anh Dũng ở Châu Phú, An Giang về làm thủ tục mẹ nhận con (có kết quả xét nghiệm AND) và cha mẹ nuôi vẫn chấp thuận việc nhận con của bà Nguyễn Thị Tuyết và sau đó anh có nguyện vọng theo họ cha mẹ ruột là họ Nguyễn. Như vậy, đăng ký khai sinh lại cho anh Dũng theo họ Nguyễn hay họ Đàm? Có yêu cầu thêm thủ tục thay đổi họ con theo họ mẹ ruột của anh hay không (là họ Nguyễn).

 

Đáp: Trong trường hợp này cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP để giải quyết hồ sơ nhận cha, mẹ, con của bà Tuyết.  Sau khi có quyết định nhận con, cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 8Thông tư số 15/2015/TT-BTP và khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP để giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh và thay đổi họ của con theo họ của người mẹ đối với hồ sơ yêu cầu của ông Đàm Văn Đợi, trường hợp không xác định được thông tin của người cha thì để trống.

 

Hỏi: Vợ chồng anh A có nhặt một đứa bé sinh năm 2012 làm con nuôi nhưng chưa đăng ký khai sinh. Hiện đứa bé đã đến tuổi đi học thì vợ chồng anh A có đến UBND xã Mỹ Hiệp xin đăng ký khai sinh để bé được đến trường. Anh A cung cấp thông tin là đứa bé này do vợ chồng anh nhặt được khi đi cắt lúa mướn ở tỉnh Đồng Tháp, đồng thời khi lượm được bé thì không có người làm chứng, không trình báo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Vậy trong trường hợp này, phải làm như thế nào để đứa bé được đăng ký khai sinh.

 

Đáp: Trong trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CPquy định cụ thể trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi. Sau đó, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi để hướng dẫn vợ chồng anh A hoàn tất thủ tục nhận con nuôi theo quy định.

 

Hỏi: Bà A và ông B chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1970 đến năm 1974 và có 02 người con chung nhưng không có đăng ký khai sinh. Đến năm 1981 ông B có vợ khác và chết năm 2010, đến nay bà A đến UBND xã yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để thực hiện giao dịch dân sự. Công chức tư pháp hộ tịch yêu cầu bà phải chứng minh tình trạng hôn nhân của mình, bà A giải thích chung sống với ông B tại Cần Thơ đã lâu không liên lạc gì với nhau, bà rất hận ông B nên không liên quan gì với nhau và hiện nay bà sống độc thân ở xã ai cũng biết tại sao không xác nhận cho bà. Trường hợp này UBND xã có xác nhận độc thân cho bà được không?

 

Đáp: Do A và ông B chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/1/1987 (hôn nhân thực tế) nên được pháp luật công nhận là vợ chồng mặc dù không đăng ký kết hôn. Do đó, cơ quan đăng ký hộ tịch cần kiểm tra, xác minh kỹ trên thực tế đối với tất cả các trường hợp có quan hệ chung sống, trường hợp nào phát sinh sớm nhất và thoả mãn một trong các điều kiện được xác định là chung sống như vợ chồng nêu trên thì xác định trường hợp đó là hôn nhân thực tế. Nếu đến thời điểm yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà quan hệ hôn nhân thực tế chưa chấm dứt bởi quyết định ly hôn của Toà án, không có sự kiện một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì UBND cấp xã có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu cần ghi rõ “Hiện đang có vợ/chồng là…….”, nên cơ quan đăng ký hộ tịch yêu cầu bà A cung cấp bản sao giấy chứng tử của ông B để được xem xét, giải quyết yêu cầu cấp giấy xác nhận độc thân.

 

Hỏi: Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em có cha, mẹ là người nước ngoài, khi chọn quốc tịch nước ngoài thì phải có văn bản thoả thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con đồng thời phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, hình thức văn bản thoả thuận như thế nào?Trong trường hợp có giấy xác nhận của cơ quan nước ngoài công nhận trẻ em là quốc tịch nước ngoài, thì xác nhận này có thể thay thế văn bản thoả thuận của cha mẹ hay không?

 

Đáp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch thì: "2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam". Đồng thời, tại khoản 1 Điều 36 Luật Hộ tịch cũng quy định rõ về thủ tục đăng ký khai sinh: “Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân”. Từ những quy định nêu trên, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài, cơ quan đăng ký hộ tịch phải đảm bảo đầy đủ các loại giấy tờ như sau: Tờ khai đăng ký khai sinh; Văn bản thỏa thuận chọn quốc tịch cho con; trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân và những giấy tờ khác có liên quan. Trong trường hợp chỉ có giấy xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở nước ngoài mà không thể hiện sự thoả thuận của cha, mẹ trẻ việc chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì trong hồ sơ yêu cầu đăng ký khai sinh phải có văn bản thoả thuận chọn quốc tịch cho con của cha, mẹ.

 

Hỏi: Ông A sinh năm 1968 đến năm 1969 bị bệnh chết, gia đình ông A không đăng ký khai tử cho ông. Đến nay gia đình ông chia tài sản thừa kế thì cán bộ địa chính yêu cầu đăng ký khai tử cho ông. Gia đình ông không có giấy tờ gì của ông để chứng minh ông A đã chết, do chết lúc nhỏ nên không có mộ bia, đồng thời tro cốt của ông được gửi vào chùa. Như vậy, trường hợp nêu trên UBND  xã từ chối đăng ký khai tử cho ông A với lý do không có giấy tờ chứng minh được không?

 

Đáp: Trường hợp người chết đã lâu, không có giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử nhưng được dựng bia, mộ hoặc có văn bản xác nhận của người làm chứng có thể thực hiện đăng ký khai tử. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ phải kiểm tra, xác minh chặt chẽ, bảo đảm thông tin, việc làm chứng là đúng sự thật. Đối với yêu cầu đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có bất cứ giấy tờ gì làm cơ sở thực hiện khai tử thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết.

 

Hỏi: Bà D sinh năm 1970 và chết năm 1983 không đăng ký khai tử và chưa đăng ký khai sinh. Đến năm 2017 gia đình bà làm thủ tục sang tên đất của cha, mẹ cho con thì cán bộ địa chính yêu cầu gia đình đi đăng ký khai sinh cho bà D để làm thủ tục sang tên. Gia đình bà D đến Phòng Tư pháp xin trích lục khai sinh nhưng không có Sổ bộ. Sau đó con của bà D đến UBND xã nơi bà D chết để đăng ký khai sinh. Như vậy, trong trường hợp này UBND xã có được đăng ký khai sinh cho bà D được hay không?

 

Đáp: Tại khoản 1, khoản 2 và 3 Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định: “việc đăng ký lại khai sinh , kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ”, từ những quy định nêu trên đề nghị cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối tiếp nhận hồ sơ yêu cầu đăng ký khai sinh do tại thời điểm đăng ký khai sinh bà D đã chết nên không thực hiện được.

 

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn