Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Tiếp tục chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Thông tin khác

Tiếp tục chung tay phòng, chống dịch Covid-19

11/08/2021

Dịch bệnh Covid-19 được hiểu đó là dịch bệnh truyền nhiễm liên quan đến đường hô hấp do virut Corona chủng mới gây ra, bùng phát vào cuối tháng 12/2019. Chỉ sau gần hai năm xuất hiện, đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng tác động tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thị trường tài chính chao đảo, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói chưa từng có trong lịch sử. Tỷ lệ người mắc dịch bệnh và tử vong cũng không nhỏ. Cái chết thương tâm giữa thời bình của những người không may mắc bệnh dịch càng làm cho nhân loại thêm đau xót.

 

Ở Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 được Bộ Y tế bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống dịch bệnh năm 2007. Từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước ta đến nay đã là lần thứ tư bùng phát dịch, cũng là lần cả nước có số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay. Trong những ngày gần đây, hàng ngày Bộ Y tế đều công bố số ca nhiễm bệnh ở mức 4 con số và số ca tử vong ở mức 3 con số.

Ngay những ngày đầu dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, nhiều địa phương triển khai áp dụng nghiêm đối với Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, các giải pháp được quán triệt đến mọi tầng lớp người dân là “yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết…; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”.

Dịch bệnh bùng phát lần này thật sự quá nguy hiểm, diễn biến quá nhanh, quá phức tạp, mức độ lây lan ở diện rộng. Do đó, để tiếp tục phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đòi hỏi sự tiếp tục chung tay của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị của các ngành các cấp và người dân. Đặc biệt trên hết là ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật và các biện pháp phòng, chống dịch cấp bách để sớm mang lại chiến thắng và sự bình yên cho xã hội.

Trong những ngày này, hơn ai hết phải kể đến những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Họ là những người lính, những thầy thuốc, những Y, Bác sĩ, những cán bộ, công chức, viên chức… đã hy sinh những cuộc sống riêng tư, đầm ấm bên gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con để căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Sự hy sinh của con người là đức tính cao cả, con người biết hy sinh thì cuộc sống càng ý nghĩa. Những người lính ngày đêm canh giữ đường biên giới, canh giữ an ninh trật tự trên mọi phố phường, làng xã, khóm ấp; Ngững thầy thuốc, những Y Bác sĩ không quản ngại khó khăn ngày đêm cứu chữa những ca mắc bệnh dịch, dành giật với “tử thần” đối với những ca bệnh trở nặng; Những cán bộ, công chức, viên chức nhận lệnh canh chốt trên các nẻo đường bất chấp nắng mưa nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi mức độ lây lan dịch bệnh.

Để đáp lại những hy sinh to lớn ấy, mọi người dân đều phải tự giác hy sinh một phần những tiện ích cá nhân, tuân thủ nghiêm những giải pháp tạm thời làm hạn chế quyền con người, quyền công dân nhằm để hướng đến mục đích cao cả là chiến thắng dịch bệnh. Lúc này, sự hy sinh cũng chính là đạo đức cao quý của con người. Một khi con người đã thấm nhuần đạo đức hy sinh thì việc chấp hành, tuân thủ pháp luật cũng trở nên đương nhiên và nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bên cạnh việc người người đều thể hiện sự đồng lòng chung tay phòng, chống dịch bệnh, thì đâu đó cũng còn xảy ra tình trạng một vài cá nhân bất chấp quy định pháp luật mà ra đường hoặc tập trung đông người không cần thiết… Có những trường hợp người dân còn chống người thi hành công vụ phòng, chống dịch Covid-19. Với mức phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với những người ra đường trong trường hợp không cần thiết hoặc không đeo khẩu trang nơi công cộng, hay mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người… Không làm giàu thêm cho ngân sách nhà nước hay ngân sách của bất kỳ địa phương nào, mà đó chỉ là thước đo đánh giá đạo đức hy sinh còn thấp của những con người cụ thể.

Để bù đắp một phần những hy sinh của người dân cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, việc hỗ trợ sẽ được triển khai nhanh chóng đến những đối tượng bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cho dù chính sách có tốt, có kịp thời, các ngành các cấp có triển khai đồng lòng, đồng bộ đến đâu thì cũng không tránh khỏi những sơ sót do phải phân tán nguồn lực tập trung vào nhiều mặt trận phòng, chống dịch. Do đó, về phía người dân, người lao động, người sử dụng lao động… (gọi chung là những đối tượng được hỗ trợ) phải hết sức tự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bình tĩnh, cung cấp thông tin trung thực để được hỗ trợ, hạn chế sự kỳ vọng quá mức vào việc hỗ trợ, hoặc lợi dụng sự thiếu sót của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác triển khai hoạt động hỗ trợ để ganh tỵ, kích động, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Đồng thời, để chung tay phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta nói chung cũng như ở từng địa phương nói riêng thì nguồn quỹ vaccine phòng Covid-19 được xem là trọng yếu. Việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam nhằm mục đích tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Do đó, mọi đối tượng từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người dân hãy lan tỏa ý nghĩa và tầm quan trọng của nguồn quỹ để kêu gọi sự chung tay hưởng ứng ủng hộ cho nguồn quỹ.

Nhìn chung, để tiếp tục chung tay phòng, chống dịch Covid-19, làm tốt công tác an sinh xã hội, đẩy lùi bệnh dịch, đem lại sức khỏe cho mọi nhà, đảm bảo phương châm “sức khỏe là thứ quí giá nhất vì nó không thể mua được bằng tiền” thì cần lắm sự đóng góp công sức của tất cả mọi người dân, sự đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương. Mỗi người đều tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch do Chính phủ quy định và cơ quan y tế đã hướng dẫn nhằm chăm sóc tốt sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; phát huy mạnh mẽ tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và đặc biệt là tinh thần đoàn kết một lòng của người dân thì ai ai cũng vững tin rằng đất nước Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19./.

BÍCH NGỌC

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn