Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Kết thúc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua 7 Luật, cho ý kiến về 9 dự án Luật khác
Điểm tin pháp luật

Kết thúc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua 7 Luật, cho ý kiến về 9 dự án Luật khác

10/07/2018

1. Các luật được thông quanhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước…

 

1. Các luật được thông quanhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước…

 

- Luật Đo đạc và bản đồđược ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ. Luật gồm 9 chương, 61 điều, quy định cụ thể về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồchuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

 

- Luật An ninh mạngđược xây dựng trong điều kiện môi trường an ninh mạng có nhiều bất cập; nhiều vấn đề mới nảy sinh trong phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện đã và đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành các hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng... Việc ban hành Luật là cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạngvà bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

 

- Luật Tố cáo được sửa đổi toàn diệnnhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, bảo đảm cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo hiện hành.

 

Luật gồm 8 chương, 67 điều quy địnhnhiều nội dung quan trọng về người có quyền tố cáo; quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo; bảo vệ người tố cáo…

 

- Luật Cạnh tranhđược sửa đổi toàn diện, gồm 10 chương, 118 điều với nhiều quy định mới: mở rộng phạm vi điều chỉnh gồm cả hành vi thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể đến thị trường Việt Nam; chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; thay đổi tiêu chí xác định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, tập trung kinh tế bị cấm; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; quy trình tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh...

 

- Luật Quốc phòng được sửa đổi toàn diện không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng mà còn lược bỏ những quy định hiện hành không còn phù hợp. Luật gồm 7 chương, 40 điều, quy định cụ thể nhiều nội dung về: quân sự; chiến tranh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân; phòng thủ đất nước; chiến tranh thông tin; tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; thảm họa và một số hoạt động khác nhằm vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai và thực hiện điều luật. Bổ sung quy định về: quyền, nghĩa vụ của Công dân “bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”; một số hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi cấm “điều động, sử dụng người, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị, phương tiện để tiến hành hoạt động vũ trang khi chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền”; phòng thủ quân khu; đối ngoại quốc phòng; công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương... Quy định bổ sung, chỉ rõ và cụ thể hơn về nhiệm vụ đối với: khu vực phòng thủ; phòng thủ dân sự; công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Hội đồng nhân dân các cấp về quốc phòng; về việc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng...

 

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thaocó các quy định mới cụ thể như sau:

 

+ Về thể dục, thể thao quần chúng: bổ sung quy định tổ chức, cá nhân được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; quy định trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao công lập.

 

+ Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường: bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi; giao trách nhiệm cho Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thểthao công lập với cơ sở giáo dục đểsử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

 

+ Về thể thao thành tích cao: bổ sung chính sách ưu đãi đối với vận động viên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành bị tai nạn trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên, thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật; vận động viên không còn khả năng thi đấu thể thao được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm, được ưu tiên tuyển dụng làm việc tại các cơ sở thể thao; quy định vận động viên, huấn luyện viên được tham gia và hưởng các chế độ về bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.       

 

+ Về đặt cược thể thao: bổ sung nội dung đặt cược thể thao theo hướng quy định về khái niệm đặt cược thể thao, nguyên tắc kinh doanh đặt cược thể thao; giao Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao. 

 

+ Về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và thể thao bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập: bổ sung quy định hộ kinh doanh và các tổ chức khácđược kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện theo quy định của Chính phủ. 

 

+ Về đất đai dành cho thể dục, thể thao quy định trong quy hoạch, các dự án xây dựng trường học, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao theo quy định của Chính phủ.

 

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạc được ban hành nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, loại bỏ các quy hoạch sản phẩm.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ thì dự án luật sửa đổi, bổ sung lần này gồm 13 luật. Tuy nhiên, qua thảo luận Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng cho thấy, còn có ý kiến khác nhau về sự cần thiết có quy hoạch xây dựng tỉnh với tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; về nội hàm giữa quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh; mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; một số nội dung cần có đánh giá tác động như giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch. Do đó, Quốc hội quyết định để lại hai luật này để tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội xem xét, thông qua cùng với các luật còn lại liên quan đến quy hoạch tại kỳ họp thứ 6…

 

Các luật còn lại có quy định liên quan đến quy hoạch sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV để bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch.

 

2. Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới mang tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

 

- Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệtquy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

 

- Luật Cảnh sát biểnViệt Nam  gồm 8 chương, 49 điều được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đồng thời, quy định bổ sung nhiều nội dung quan trọng nhằm luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển; xây dựng phát triển lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các vùng biển Việt Nam.

 

- Luật Chăn nuôiđược xây dựng trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Giống vật nuôi, quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vậtcảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi;xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi.

 

- Luật Trồng trọt được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Giống cây trồng, quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch,mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nướcvềtrồng trọt.

 

- Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)gồm 125 điều (tăng 25 điều so với Luật hiện hành). Tại các phiên họp, Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật hiện hành; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài nhà nước; thẩm quyền, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; việc xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; các hành vi tham nhũng; công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình; quy tắc ứng xử, tặng quà và nhận quà tặng; chuyển đổi vị trí công tác, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;…

 

- Luật Đặc xá (sửa đổi)gồm 6 chương, 39 điều. Tại các phiên họp, Quốc hội đã tập trung thảo luận về: sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật; thời điểm đặc xá; điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại và nhân ngày lễ lớn của đất nước; người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt và việc thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; thời gian, trình tự, thủ tục thực hiện đặc xá; quy định tái hòa nhập cộng đồng; vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác đặc xá.

 

- Luật Công an nhân dân (sửa đổi)gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014 đã bổ sung 4 điều, bỏ 1 điều và sửa đổi, bổ sung 31 điều. Nội dung dự thảo Luật đã được thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới, sắp xếp hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong tình hình mới.

 

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dụcđược Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: phạm vi sửa đổi và tên gọi của Luật; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; chính sách đối với người học nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ học tập của công dân; chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đầu tư, tài chính trong giáo dục;hoàn thiện cơ chế quản trị của cơ sở giáo dục…

 

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại họcđược Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như: mô hình hệ thống giáo dục đại học; cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học; việc tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong các hoạt động về chuyên môn đào tạo, tài chính và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của các trường đại học cũng như nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học…

 

Nhìn chung, các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được các cơ quan chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hồ sơ và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ, thẳng thắn, tích cực, nhất là các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự án bảo đảm yêu cầu chất lượng, có tính khả thi, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

 

THANH SƠN

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn