Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Cổng thông tin điện tử

Sở Tư pháp Tỉnh An Giang

Những điểm mới của Luật phòng, chống tác hại của rượu bia
Điểm tin pháp luật

Những điểm mới của Luật phòng, chống tác hại của rượu bia

03/01/2020

Ngày 14 tháng 06 năm 2019, Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày ngày 01/01/2020.

 

Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Responsive image

(Ảnh minh họa – nguồn internet)

Luật quy định rõ một số từ ngữ chuyên môn như: (1) Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm; (2) Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước; (3) Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính; (4) Độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C; (5) Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác; (6) Nghiện rượu, bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu, bia với biểu hiện đặc trưng như thường xuyên thèm uống, lượng uống có thể tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống; (7) Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp; (8) Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu bằng máy móc, thiết bị công nghiệp.

     5 điểm mới đáng lưu ý được quy định trong Luật:

     (1) Đã uống rượu bia thì không được lái xe. Tại Điều 5 của Luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Điều đó nghĩa là đã uống rượu bia thì không được lái xe dù là ô tô hay xe máy; như vậy chỉ có người đi bộ mới được nếm ít rượu bia. Bên cạnh đó, Điều 5 của Luật quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.

     (2) Quán nhậu hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia. Cụ thể, khoản 6 Điều 32 quy định: “Cơ sở bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu bia”.

     (3) Phải dán thông báo không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Khoản 5 Điều 32 của luật chỉ rõ: “Cơ sở bán rượu bia phải niêm yết thông báo không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”.  Như vậy, tất cả cơ sở bán rượu bia phải thực hiện yêu cầu này.

     (4) Thành viên gia đình được hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu bia. Điều 34 quy định các gia đình có trách nhiệm “Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu bia trong gia đình cai nghiện rượu bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu bia…”.

     (5) Không mở mới điểm bán rượu bia gần trường học, bệnh viện. Khoản 7 Điều 32 nêu rõ: “Kể từ ngày luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông”.

     Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46/2016, quy định: Đối với xe máy thì người lái xe khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép mới bị xử phạt; riêng ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ nên chỉ cần có nồng độ cồn thì đã bị xử phạt. Do đó, sắp tới, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46/2016 phải được sửa đổi theo hướng phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019; đồng thời Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn để áp dụng xử phạt./.

TẤN MẪM

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Danh mục
Liên Kết Website
Thống kê truy cập
  • Hôm nay:
  • Tổng lượt Truy cập:
Thông tin đường dây nóng
ngành Tư pháp An Giang

1

Ông Cao Thanh Sơn

(Giám đốc)

Điện thoại: 0918.070.305

2

Bà Tô Thị Thu Thủy

(Chánh văn phòng)

Điện thoại: 02963. 602.062

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.957.304

Địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận
Phản ánh kiến nghị TTHC
  • Ông Cao Thanh Sơn (Giám đốc Sở)

    ĐT: 0918.070.305

    Email: ctson@angiang.gov.vn

  • Tổ Kiểm tra công vụ

    ĐT: 02963.957.049 - 0378.247.247

    Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn